Đừng để vuột mất cơ hội

Theo Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), trong những năm gần đây, tốc độ phát triển thị trường hàng không Việt Nam (HKVN) đứng thứ 3 trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Và theo dự báo mới nhất của IATA, thị trường HKVN trong giai đoạn 2013 - 2017 đứng thứ 7 trong số những thị trường phát triển nhanh nhất thế giới với tỷ lệ tăng trưởng trong vận chuyển quốc tế đạt 6,9% về hành khách và 6,6% về hàng hóa. Sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường là một cơ hội lớn đối với ngành HKVN, thế nhưng để tận dụng được cơ hội lại là một vấn đề hết sức nan giải, nhất là khi sự tăng trưởng của thị trường không đi đôi với sự phát triển của ngành.

Đó chính là lý do mà ngành HKVN luôn là tâm điểm của dư luận trong suốt thời gian dài vừa qua. Chưa bao giờ tình trạng chậm hủy chuyến lại tăng mạnh và gây sự bức xúc lớn cho người dân đến như vậy khi một số hãng hàng không trong nước có tỷ lệ chậm, hủy chuyến lên đến hơn 40%. Đồng thời, sự cố liên quan đến an toàn, an ninh hàng không cũng tăng mạnh. Trong 9 tháng đầu năm 2014, tổng số sự cố, vụ việc liên quan đến an toàn, an ninh hàng không được báo cáo tăng trên dưới 40% so với cùng kỳ năm 2013. Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, không chỉ hạ tầng mà cả năng lực quản lý của cơ quan nhà nước, năng lực phục vụ của các hãng cũng đang không theo kịp sự phát triển nóng của thị trường. Nếu không thực sự thay đổi, chúng ta sẽ mất đi cơ hội tốt để phát triển.

Mặc dù đứng thứ 3 về tốc độ tăng trưởng nhanh trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhưng con số tuyệt đối về số lượng khách thông qua cảng hàng không của Việt Nam lại rất thấp, chỉ đạt khoảng 50 triệu lượt hành khách năm 2014, trong khi năm 2012 Singapore đã vượt qua ngưỡng này cho dù diện tích và dân số quốc đảo này rất nhỏ. Mới đây, mặc dù Cục HKVN đã lên tiếng phản đối việc một trang mạng xếp hạng 2 sân bay của Việt Nam vào danh sách 10 sân bay tệ nhất vì khẳng định cơ quan bình chọn, cách thức bình chọn không đủ khách quan, không đủ thuyết phục. Tuy nhiên, qua sự việc này cũng khiến những người có trách nhiệm với ngành HKVN phải suy nghĩ. Chúng ta không thể bỏ qua những đánh giá của hành khách sau khi sử dụng dịch vụ của ngành HKVN. Họ có quyền bày tỏ những bức xúc vì bị chậm, hủy chuyến, không được cung cấp thông tin đầy đủ, không được bồi thường thiệt hại hay bị đối xử thiếu văn minh lịch sự, giá dịch vụ tại cảng quá cao... Nhưng đáng lo ngại hơn, đó là khả năng họ có thể sẽ không muốn quay lại sử dụng dịch vụ của ngành HKVN nữa. Và dần dần, cơ hội lớn sẽ vuột khỏi tầm tay một cách đáng tiếc.

Trước những hạn chế cả về hạ tầng kỹ thuật, về năng lực quản lý nhà nước, về năng lực cạnh tranh của các hãng… nhu cầu đổi mới ngành HKVN càng trở nên bức xúc hơn bao giờ hết. Tại đề án đổi mới toàn diện, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về hàng không dân dụng vừa được công bố, Cục HKVN đã đưa ra nhiều nhóm giải pháp, cụ thể là giải pháp về nâng cao năng lực, hiệu quả giám sát an toàn hàng không; nâng cao năng lực, hiệu quả giám sát an ninh hàng không; giảm chậm, hủy chuyến bay; nâng cao hiệu quả hoạt động của Cảng vụ hàng không; tăng cường áp dụng chế tài và xử lý vi phạm… Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, dù đổi mới cách nào, điều quan trọng nhất là ngành HKVN phải xác định được mục tiêu tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp phát triển, đem lại chất lượng dịch vụ tốt nhất cho khách hàng với một chi phí hợp lý, đảm bảo vai trò bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân cũng như bình đẳng giữa khách hàng và người cung cấp dịch vụ. Từ mục tiêu này, bộ trưởng yêu cầu đề án đổi mới cần tập trung tiếp thu, những vấn đề cần thiết, mới nảy sinh trong thực tế phải được xem xét đưa vào Luật Hàng không sửa đổi.

Hiện đề án này vẫn đang tiếp tục được xây dựng, tuy nhiên, kể cả khi đã xây dựng xong, từ đề án đến thực tế cũng vẫn là một quãng đường dài đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của ngành HKVN. Sự nỗ lực đó chính là để tận dụng tối đa cơ hội đang có, như khuyến cáo của ông Tony Tyler, Chủ tịch IATA: “Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội tăng trưởng hàng không nhưng để thành công được cần phải thêm nhiều điều kiện như: năng lực đón tiếp khách phải bảo đảm, chi phí khai thác phải cạnh tranh, tạo thuận lợi cho khách nhập cảnh...”.

BÍCH QUYÊN

Tin cùng chuyên mục