Người ta biện hộ đó là quy định, quy trình, cơ chế nên ai cũng phải thi hành. Buột miệng, ông Y nói, nếu tôi đảm đương nhiệm vụ chủ trì ấy, nhất định tôi sẽ không làm như thế. Cơ chế, quy trình, quy định do con người sinh ra; chứ có phải trời bắt phải thế đâu mà cứ nhắm mắt, nhắm mũi thực hiện.
Rồi chuyện gì đến đã đến. Ông Y được bầu vào vị trí đặc biệt quan trọng ấy. Ngay ngày nhận trọng trách, ông nghĩ đến câu “buột miệng” của mình. Rằng, sẽ khước từ mọi đặc quyền, đặc lợi; sẽ sống giản dị như bao nhiêu người khác.
Nhưng rốt cuộc, đúng là do “cơ chế, quy định, quy trình”, dù ông Y có ý kiến chỉ đạo, nhưng “trên bảo dưới vẫn không nghe”. Các cơ quan chức năng báo cáo rằng, đây là quy định của tổ chức, được cấp có thẩm quyền thông qua nên không thể. Vị cán bộ phụ trách công tác ấy còn nói vui rằng “Chúng em hổng dám đâu. Làm trái quy định, nếu thủ trưởng có sao thì cả nhà chúng em đi tù?!”.
Cuối cùng mọi chuyện vẫn như cũ. Công việc quá nhiều, ông Y không có thì giờ quan tâm đến “chuyện nhỏ” ấy nữa.
Mãn nhiệm kỳ, về sống bình dân như mọi người, lúc “trà dư, tửu hậu”, ông Y nói như thanh minh: đúng là do cơ chế, quy trình, quy định... Một mình tôi không thể nào thay đổi được ?!
Chợt nghĩ, từ xưa đến nay, các quy định, quy chế, hương ước nói riêng, các điều khoản của pháp luật nói chung sinh ra đều nhằm mục đích điều chỉnh hành vi của tổ chức và cá nhân của một xã hội nhất định. Điều đáng lưu ý, nếu soi xét kỹ, các quy định mang tính pháp quy ấy, phần lớn đều nhằm mục đích bảo vệ chế độ, chính trị xã hội, trước hết là bảo vệ những người trực tiếp giữ trọng trách quản lý xã hội ấy.
Ở nước ta, Đảng và Nhà nước chủ trương xây dựng một nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam; trong đó quyền lực cao nhất thuộc về nhân dân. Nhân dân - thông qua đại diện chính thức của mình (đại biểu Quốc hội) để thực thi quyền và trách nhiệm. Đại biểu Quốc hội (QH) - qua diễn đàn QH thực hiện quyền lập pháp, giám sát việc thực hiện pháp luật và quyết định các vấn đề lớn của đất nước.
Rõ ràng, vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội và đại biểu Quốc hội rất lớn. Hay nói chính xác, QH và đại hội QH, không chỉ có nhiệm vụ lập pháp, giám sát hành pháp... mà còn phải chịu trách nhiệm trước cử tri về mọi mặt của đất nước.
Để làm tròn trọng trách, sứ mệnh đó, đại biểu QH phải vượt lên chính mình, không ngừng học tập và rèn luyện, đáp ứng yêu cầu phát triển của đời sống xã hội, của đất nước.
Trước hết, đại biểu QH phải có năng lực thực sự, phải am hiểu tường tận hệ thống pháp luật và sâu sát thực tế; không những góp ý xác đáng, chính kiến rõ ràng, thông qua các văn bản quy phạm pháp luật mà còn kịp thời đề xuất điều chỉnh các nội dung pháp luật khi (nó) không còn phù hợp với thực tiễn, trở thành vật cản của sự phát triển. Điều không thể thiếu nữa là tính gương mẫu về đạo đức, lối sống; chí công vô tư trong cuộc sống riêng cũng như trong việc thực thi pháp luật.
Từ câu chuyện ràng buộc bởi cơ chế, quy định của ông Y đến việc thảo luận, thông qua hệ thống pháp luật của đại biểu QH và QH, có thể khẳng định, không có ông trời nào bắt buộc. Chỉ có con người - chủ thể sáng tạo và cải tạo thế giới chịu trách nhiệm chính cuộc sống và xã hội mình; Bởi thế, không nên “đổ lỗi” cho cơ chế. Cơ chế, quy định, hệ thống pháp luật đều do con người sinh ra.
Cơ quan lập pháp (QH) và những người tham gia bộ máy lập pháp (đại biểu QH) cần không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động để làm tròn sứ mạng vẻ vang ấy.