Trong thời gian gần đây, tình hình tội phạm có những diễn biến phức tạp. Đọc các tin về án hình sự trên mạng, nhiều người lo lắng khi thấy có rất nhiều vụ trộm, cướp, án mạng, mà kẻ gây án là người nghiện ma túy. Nhiều bạn đọc gọi đến đường dây nóng Báo SGGP phản ánh nỗi lo về tình trạng bất an khi trong các ngõ hẻm, các công viên... những con nghiện ma túy ngày càng ngông nghênh, công khai tiêm chích, không còn sợ ai.
Trả lời về việc không mạnh tay xử lý hành chính, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy, chính quyền và công an các địa phương đều cho biết từ tháng 4-2014 đến nay, việc đưa các đối tượng đi cai nghiện bắt buộc phải tuân thủ những quy định rất chặt chẽ theo Nghị định 111/2013/NĐ-CP của Chính phủ về biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn và Nghị định 221/2013/NĐ-CP của Chính phủ về biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở điều trị bắt buộc. Theo đó, hồ sơ phải được chuyển đến tòa án nhân dân cấp quận, huyện xem xét theo quy trình. Bên cạnh đó, quy định về biện pháp cai nghiện tại cộng đồng còn nhiều bất cập.
Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực nhưng còn thiếu hàng loạt văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành như: tiêu chuẩn chẩn đoán nghiện ma túy; biểu mẫu lập hồ sơ đề nghị thi hành và quyết định thực hiện biện pháp giáo dục tại xã, phường; hướng dẫn thực hiện đưa người đủ 18 tuổi trở lên thuộc loại côn đồ hung hãn vào cơ sở giáo dục bắt buộc; hướng dẫn kinh phí thực hiện biện pháp giáo dục tại xã, phường...
Có ý kiến cho rằng Nghị định 221 không phù hợp khi gây ra khó khăn cho việc xử lý hành chính đưa vào cơ sở điều trị cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện. Nhưng thực ra những quy định chặt chẽ như vậy là cần thiết, nhằm đảm bảo các quyền tự do của công dân được quy định trong Hiến pháp và Điều 10 Bộ luật Tố tụng hình sự nước ta, thực hiện nguyên tắc: Không ai có thể bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi tòa án chưa kết tội. Có như vậy mới thể hiện được sự tôn trọng quyền con người và ngăn ngừa được tình trạng lạm dụng quyền lực, vượt quá quyền hạn khi đưa người đi cải tạo tập trung.
Nhưng tại diễn đàn các cuộc họp về tình hình an ninh trật tự, đã có những ý kiến bức xúc lật lại vấn đề: “Tình trạng các đối tượng nghiện ma túy không được đưa đi cai nghiện bắt buộc đã tạo ra một khoảng trống pháp luật, gây ra tình trạng bất an cho xã hội, bởi nghiện ma túy thường dẫn đến phạm pháp hình sự. Chúng ta tôn trọng quyền con người, nhưng không thể vì quyền lợi không chính đáng của những người nghiện mà làm ảnh hưởng đến quyền lợi của cả cộng đồng”. Phân tích và lập luận như vậy cũng xác đáng; không thể nhân nhượng, thả nổi cho nạn ma túy lộng hành khiến nhiều thành niên bị băng hoại và gây bất an cho cộng đồng. Như vậy, rõ ràng vấn đề thực sự nan giải, nhưng có đến mức bế tắc không?
Thực ra không mâu thuẫn giữa yêu cầu quy định chặt chẽ về xử lý hành chính đưa vào cơ sở điều trị cai nghiện bắt buộc và yêu cầu đấu tranh chống tệ nạn ma túy, giữ gìn an ninh trật tự xã hội. Vấn đề là các bộ, ngành chức năng liên quan như Tòa án Nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, Bộ LĐTB-XH, Bộ Tài chính phải làm tròn được trách nhiệm trong việc ban hành các văn bản hướng dẫn Luật Xử lý vi phạm hành chính, để không còn những vướng mắc, cản ngại không đáng có. Thực tế cho thấy việc triển khai của các bộ, ngành này đang quá chậm trễ.
Một điều rất quan trọng là cần nhìn nhận đúng thực chất vấn đề: Muốn đấu tranh chống nạn ma túy, phải giải quyết từ gốc là tấn công triệt phá các đường dây vận chuyển, buôn bán ma túy, các ổ tiêm chích ma túy. Điều đó quan trọng hơn và có ý nghĩa quyết định hơn nhiều so với việc tập trung cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy. Tại các địa bàn trọng điểm về tệ nạn ma túy tại TPHCM, vẫn còn những ổ tiêm chích ma túy chưa bị triệt phá. Kẻ tổ chức tiêm chích ma túy dùng thủ đoạn mua chuộc cảnh sát khu vực, thậm chí dùng thủ đoạn “khuyến mãi” miễn phí vài lần cho những con nghiện giới thiệu được “khách hàng” mới. Thế nên ngày càng có thêm nhiều con nghiện. Để có tiền tiêm chích, các con nghiện dễ sa vào con đường phạm pháp. Thực tế kết quả cai nghiện ma túy không cao, nhiều người sau thời gian tập trung ở trường trại trở về lại tái nghiện. Do vậy phải giành giật từng con người khỏi cái xấu, cái ác ngay từ từng gia đình, nhà trường và toàn xã hội, tạo ra khả năng miễn nhiễm, biết nói không với ma túy. Không nên vin vào lý do khó tập trung cai nghiện bắt buộc mà đổ thừa, thả nổi trong cuộc chiến chống ma túy.
HUỲNH THANH LUÂN