Đừng khắt khe với áo dài cách tân

Áo dài vốn là bộ trang phục được phụ nữ Việt Nam chọn mặc vào những dịp lễ, tết. Những năm gần đây, tà áo dài truyền thống ít dần, thay vào đó là sự xuất hiện của tà áo dài cách tân được biến tấu, phá cách giúp người mặc thoải mái hơn.

Áo dài vốn là bộ trang phục được phụ nữ Việt Nam chọn mặc vào những dịp lễ, tết. Những năm gần đây, tà áo dài truyền thống ít dần, thay vào đó là sự xuất hiện của tà áo dài cách tân được biến tấu, phá cách giúp người mặc thoải mái hơn.

Nếu như năm trước, áo dài cách tân vạt dài ngang ống chân mặc với quần bó, quần jean lên ngôi thì năm nay vị trí ấy lại nhường chỗ cho tà áo dài cách tân táo bạo với vạt ngắn trên gối được mặc cùng chân váy xếp li hoặc quần ống rộng dài qua gối. Thậm chí, áo dài cách tân được phối với “váy đụp” trên gối cũng đã xuất hiện nhiều vào dịp tết này.

Ra đường vào những ngày đầu xuân, đâu đâu cũng thấy chị em, từ các cô lớn tuổi đến các bé thiếu nhi xúng xính trong tà áo dài phá cách. Đây cũng là năm mà thời trang áo dài cách tân được cư dân mạng bàn tán, “mổ xẻ” nhiều nhất, nhiều người ví von thời trang áo dài cách tân năm nay như “sữa pha với nước mắm”, “mắm tôm pha ca cao” hay “thời trang dị dạng” khi áo dài kết hợp với váy đụp…

Nhìn ở khía cạnh đời thường và xét về thuần phong mỹ tục, trang phục áo dài của người phụ nữ ngoài đáp ứng yêu cầu kín đáo, mềm mại, tôn nét dịu dàng thì ở xã hội hiện đại nó còn cần đáp ứng nhu cầu thoải mái, năng động, tự tin của người mặc. Có thể thấy tà áo dài cách tân năm nay cũng đã phần nào đạt được những tiêu chí đó..

Trang phục mà phụ nữ mặc đi du xuân, đi gặp gỡ bạn bè có thể là quần áo, là váy, thậm chí là quần ngắn, vậy tại sao không thể là tà áo dài cách tân? Dù áo dài cách tân có từ nhiều năm trước nhưng nó chưa bao giờ là trang phục được phụ nữ lựa chọn để thay thế cho tà áo dài truyền thống xuất hiện trong các nghi lễ trọng đại, đó là một minh chứng. Đơn giản nó chỉ là một bộ đồ được biến tấu để mỗi năm chị em phụ nữ lại có thêm sự lựa chọn có tính thời trang mà thôi. Hà cớ gì lại chỉ nhìn ở góc độ lễ nghi, để rồi quá khắt khe?

Trong khi đó, các nhà nghiên cứu văn hóa Việt vẫn trăn trở làm thế nào để đưa áo dài gần với cuộc sống hơn. Không ai phủ nhận tà áo dài truyền thống của phụ nữ Việt rất đẹp và duyên dáng, thế nhưng nó cũng có nhược điểm là khá vướng víu và thiếu linh hoạt. Đó cũng là lý do áo dài thường chỉ được mặc trong vài dịp quan trọng, lễ lạt. Từ nhiều năm trước, áo dài đã liên tục được cách tân để chọn ra kiểu phù hợp với sinh hoạt đời thường. Thời trang luôn biến hóa, mỗi năm một xu hướng nhưng thời trang cũng là cái vòng xoáy lặp đi lặp lại, vì vậy sự lên tiếng của một bộ phận dư luận xã hội cũng rất cần “gạn đục khơi trong”...

Xấu, đẹp còn tùy quan điểm của từng người, miễn sao việc khoác lên người bộ trang phục không trái với thuần phong mỹ tục, không gây phản cảm. Có chăng là sự tự ý thức của người mặc, những nơi tôn nghiêm như đình, chùa, miếu hay những nơi diễn ra lễ hội truyền thống, nghi lễ trọng đại… một bộ áo dài có tính truyền thống có lẽ sẽ phù hợp hơn là áo dài cách tân! Còn trong đời thường, xin đừng quá khắt khe với hai chữ “cách tân”.

HẢI THU

Tin cùng chuyên mục