Đừng lạm dụng bi kịch

Kịch tính (drama) là một phần không thể thiếu đối với phim ảnh, đặc biệt là phim truyền hình. Tuy nhiên, việc sử dụng với liều lượng và tần suất như thế nào có ảnh hưởng không nhỏ đến phản ứng của khán giả.

Quá tay là điều không ít khán giả đã nhận ra và để lại bình luận trên fanpage chính thức của bộ phim Thương ngày nắng về, sau khi tập 21 phát sóng. Trích đoạn xem trước tập 21 sau khi được đăng tải thu hút hơn 57.000 lượt cảm xúc, hàng ngàn bình luận và lượt chia sẻ. “Phim giải trí sau một ngày làm việc mà sao ức chế, stress quá”; “biết là phim nhưng xem mà ôm cục tức vào người, tốt nhất không nên xem”… là những bình luận để lại. Bên cạnh việc khen ngợi diễn xuất của các diễn viên, đặc biệt NSƯT Thanh Quý vai bà Nga, NSND Lan Hương vai bà Hiền hay Lan Phương vai Khánh, khán giả cho rằng biên kịch đang cố tình “bi kịch hóa” câu chuyện. Khi theo dõi diễn biến câu chuyện sẽ thấy, một số chi tiết chưa hoàn toàn lôgíc, có đôi phần vô lý khiến người xem cảm thấy khó chịu.

Phim truyền hình, đặc biệt về đề tài gia đình, yếu tố drama luôn không thể thiếu. Không thể phủ nhận, các nhà làm phim Việt Nam ít nhiều ảnh hưởng bởi phim truyền hình Hàn Quốc - vốn từng khai thác rất hiệu quả yếu tố này. Tuy nhiên, hiện nay, khi phim truyền hình Hàn đang chuyển sang xu hướng rút ngắn số tập, đẩy tiết tấu nhanh và dồn dập, phim Việt đa phần vẫn trong tình trạng khá lê thê. Không ít bộ phim thường cố gắng kéo dài thời lượng bằng việc liên tiếp tạo xung đột, mâu thuẫn và bi kịch. Nhưng không phải trường hợp nào cũng khéo léo và hợp lý.

Trước đó, hai bộ phim Cây táo nở hoa và Thương con cá rô đồng cũng rơi vào tình trạng tương tự. Hình ảnh bà dì hay người mẹ vô tâm, ích kỷ và có phần độc ác được biên kịch tô đậm quá mức, khiến khán giả cho rằng diễn tiến câu chuyện không thực tế. Xem phim xong, khán giả ngoài lòng thương cảm với nhân vật còn thấy bế tắc và khó chịu.

Việc sử dụng drama như thế nào là đủ lượng đặt ra không ít thách thức với các nhà làm phim. Không ít phim truyền hình Việt thời gian vừa qua có câu chuyện nhẹ nhàng, kịch tính được đẩy lên mức độ vừa phải và giải quyết khoa học nhưng vẫn được lòng khán giả. Có thể kể đến: Mùa hoa tìm lại, Phố trong làng, Lối về miền hoa, Anh có phải đàn ông không, Mặt nạ gương… Rõ ràng, những bộ phim ấy thành công mà không cần phải thậm xưng hay cố tỏ ra nặng nề để thu hút khán giả.

Phim ảnh là hình thức giải trí và những gì bình dị, gần gũi, chạm đến cảm xúc người xem sẽ luôn được đón nhận. Có một điểm chung, khán giả Việt luôn muốn kết thúc có hậu cho các nhân vật chính. Do đó, việc cân đối, hài hòa drama luôn rất cần thiết để khán giả không rơi vào tình cảnh “xem phim cho đỡ stress mà xem xong stress hơn”.

Tin cùng chuyên mục