Đúng làm theo, sai hãy sửa

Mấy ngày qua, cụm từ “đúng nhận, sai cãi” liên tục được các tài khoản trẻ bắt nhịp, trở thành từ khóa tìm kiếm hàng đầu trên mạng mặc dù chẳng hay ho gì, nếu không muốn nói là độc hại.
Bạn trẻ nên tham gia các hoạt động thể thao để rèn luyện sức khỏe và kết nối. (Ảnh: Một giải chạy ở Bà Rịa - Vũng Tàu năm 2022)
Bạn trẻ nên tham gia các hoạt động thể thao để rèn luyện sức khỏe và kết nối. (Ảnh: Một giải chạy ở Bà Rịa - Vũng Tàu năm 2022)

Có trend là hóng

Câu chuyện “cô đồng bổ cau” T.H. (tỉnh Hải Dương), xem bói trực tuyến qua mạng xã hội, vừa bổ cau vừa phán về gia thế, tình duyên, sự nghiệp… với tốc độ nói nhanh cùng câu cửa miệng “đúng nhận, sai cãi”, đã trở thành “hot trend” (được hiểu như một xu hướng mới, đang thu hút - PV) được nhiều bạn trẻ nhanh chóng làm thành các phiên bản với đủ kiểu bổ trái cây, rau củ… Kèm theo đó, cụm từ “đúng nhận, sai cãi” liên tục được nhắc đi nhắc lại.

Chuyện một bộ phận người trẻ tin vào bói toán và mất tiền cho những “bà cô”, “ông cậu”, “thầy cúng”… trên mạng đã không còn xa lạ gì. Lời cảnh báo từ cơ quan chức năng và truyền thông vẫn liên tục, nhưng đến hẹn lại lên, dịp đầu năm vẫn là mùa bói toán với không ít bạn trẻ. Niềm tin và quyền quyết định nằm ở mỗi người, tuy nhiên câu chuyện đáng nói chính là việc “đu trend” bất chấp mấy ngày qua của một số bạn trẻ, đẩy câu chuyện “đúng nhận, sai cãi” lan truyền chóng mặt, dù nó chẳng mang chút giá trị nhân văn hay bài học giáo dục tốt đẹp gì, nếu không muốn nói là độc hại, ngay từ chính ý nghĩa của nó.

Ăn theo trend “đúng nhận, sai cãi”, hàng loạt tài khoản người dùng từ Facebook và Tik Tok đua nhau bổ mít, sầu riêng, nho… và luận về gia thế, sự nghiệp, tình duyên từ hài hước đến phản cảm, thậm chí làm quá trong cách nói chuyện hét lớn, văng tục. Tài khoản L.M. với clip bổ bưởi cùng câu cửa miệng “đúng nhận, sai cãi” lặp đi lặp lại, nhận được hơn 197.000 lượt thích trên Tik Tok, trong sự ngỡ ngàng của người theo dõi.

Không dừng lại ở những video vô thưởng vô phạt theo trend, để nhanh chóng được “on top” (trở thành nội dung được tìm kiếm hàng đầu), tài khoản T.K. vừa bổ dưa leo, cùng cách nói chuyện như quát vào mặt người xem kèm từ khóa “đúng nhận, sai cãi” vẫn thu hút hơn 30.000 lượt thích trên nền tảng Tik Tok.

Quanh câu chuyện này, tài khoản N.N.T. (22 tuổi, ngụ quận Tân Phú) thẳng thắn trên trang cá nhân: “Người tối cổ thì một mình thôi, còn người ta theo trend kệ người ta, không thích đừng coi, ai mượn bình luận”.

Vui thôi đừng vui quá

Trong thời buổi bùng nổ của mạng xã hội, sự việc, câu nói đang nổi đình nổi đám chưa hẳn là sự việc tốt. Như câu chuyện của cô đồng T.H. thay vì nhận nút báo cáo nội dung vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng thì nó lại được lan truyền với tốc độ chóng mặt, một bộ phận bạn trẻ nhại theo mà chẳng màng nó bổ ích hay độc hại.

Thậm chí, nếu câu chuyện dừng ở mức vô thưởng vô phạt thì cũng không nên chia sẻ. Bởi môi trường mạng hiện nay như con dao nhiều lưỡi, đối tượng tiếp cận nội dung ngày càng nhiều trẻ nhỏ, một sự chia sẻ lệch lạc cũng có thể dẫn đến những hậu quả khó lường, mà bài học nhãn tiền chính là những trào lưu thử thách siết cổ, tự tử trên nền tảng TikTok, từng bị lên án thời gian qua.

Hàng loạt trend trước đây đã từng bị cộng đồng lên án mạnh mẽ như: dọa ma trẻ con, ăn động vật sống, săn mây trên cửa sổ máy bay, khoe thân qua những điệu nhảy phản cảm… Tưởng chừng câu chuyện bắt trend trong một bộ phận trẻ sẽ được cân nhắc hơn, khi chia sẻ những nội dung công khai. Nhưng mạng xã hội vẫn là mảnh đất màu mỡ để các xu hướng bất kể tốt - xấu, lợi - hại thỏa sức tung hoành, bởi chỉ cần là hình ảnh, video, bài viết theo kịp trào lưu, có các “từ khóa” đang được chú ý thì được các nền tảng trực tuyến dùng thuật toán hiển thị và tiếp cận người dùng liên tục… Từ đó, bất kể tài khoản nào cũng có thể trở thành người nổi tiếng, chỉ cần sở hữu lượng theo dõi “khủng”.

“Mạng xã hội mở ra kênh kết nối và kiếm tiền siêu khủng, mục đích để tăng lượng theo dõi, lượt thích cũng là điều dễ hiểu trong việc bắt trend của một bộ phận bạn trẻ. Tuy nhiên, môi trường mạng, mọi nội dung đều được lan truyền nhanh như chớp mắt, ý thức trước khi đăng tải nội dung, hình ảnh, video là trách nhiệm đầu tiên của người dùng trước khi dùng tiêu chuẩn cộng đồng hay luật trong không gian mạng để xử phạt những trường hợp vi phạm”, Trần Ngọc Thảo, chuyên viên truyền thông Công ty K.Q., nói.

Bạn trẻ nếu không làm được việc tốt đẹp cũng đừng nên chia sẻ nội dung tiêu cực. Thay vì “đúng nhận, sai cãi”, thì “đúng làm theo, sai hãy sửa” mới là điều người trẻ nên làm.

Ngày 9-2, Công an thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương đã quyết định xử phạt Trương Thị Hương (“cô đồng” T.H., 37 tuổi, ở phường Hiến Thành, thị xã Kinh Môn) 7,5 triệu đồng do cung cấp, chia sẻ thông tin cổ xúy các hủ tục, mê tín dị đoan, không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc. Ngay sau đó, nhiều người đem đồ cúng, lễ vật… có mặt ở khu vực nhà riêng “cô đồng bổ cau” đã lẳng lặng bỏ về.

Theo bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT-DL), mạng xã hội đang phát triển rất mạnh mẽ và có tác động vô cùng lớn đối với xã hội, đặc biệt là với giới trẻ. Do vậy, cần cẩn trọng trước những thông tin và nhân vật như cô đồng tự xưng T.H.

Tin cùng chuyên mục