Dùng lịch sử giáo dục người học

Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng lịch sử để đào tạo cán bộ cách mạng. Những tác phẩm chứa đựng đầy ắp nội dung lịch sử của Hồ Chí Minh như Bản án chế độ thực dân Pháp, Lời than vãn của bà Trưng Trắc, Vi hành… đã khuấy động tâm hồn của những người dân mất nước, thôi thúc họ vùng lên đấu tranh.

Trong quá trình Bác Hồ mở lớp đào tạo cán bộ đầu tiên để chuẩn bị về mặt chính trị, tư tưởng và thành lập một chính đảng, Người đã xác định lịch sử là một trong những nội dung quan trọng. Người cũng quán triệt học lịch sử không phải để thành sử gia mà để hiểu rõ hơn về những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin, những quy luật vận động của lịch sử xã hội loài người, để hiểu rõ dân tộc mình. Trong tác phẩm Sửa đổi lề lối làm việc, Bác cũng huấn thị phải giảng dạy lịch sử cho cán bộ, đảng viên. Đối với nền giáo dục nước nhà, mục đích là đào tạo một lớp người mới: Lớp người là chủ nhân của đất nước. Vì vậy, ngoài trau dồi đạo đức, khoa học kỹ thuật, trước hết phải giúp cho người học có những hiểu biết nhất định về lịch sử. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”.

Khi đất nước ta đang trong thời kỳ hội nhập, khẳng định vị thế trên trường quốc tế thì mỗi công dân không chỉ “tỏ tường” lịch sử dân tộc mà còn phải hiểu sâu sắc lịch sử thế giới; không chỉ nâng cao hiểu biết về lịch sử mà còn phải biết đúc rút từ lịch sử dân tộc, lịch sử thế giới những vấn đề, những bài học cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ta hiện tại và tương lai. Ngẫm nghĩ đến chương trình học lịch sử ở các trường phổ thông và cả các trường đào tạo cán bộ, chúng ta còn thấy nhiều điều đáng băn khoăn như thời lượng, nội dung, cách học và cách dạy môn lịch sử.

Bộ GD-ĐT và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã ký bản ghi nhớ và thống nhất đưa ra những cam kết nâng chất lượng dạy học môn lịch sử trong các cơ sở giáo dục phổ thông thời gian tới. Theo đó, có các nội dung quan trọng như: “Cần thiết phải tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa bộ và hội trong xây dựng chương trình, biên soạn sách giáo khoa môn học lịch sử ở các trường phổ thông sau năm 2015 đảm bảo tính khoa học, hiện đại phù hợp với thực tiễn Việt Nam... Đổi mới việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên dạy học môn lịch sử ở các trường phổ thông đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa sau năm 2015”.

Để khắc phục tình trạng học vẹt, học đối phó cần phải có một quan điểm đào tạo ở các cấp học bằng cách dùng lịch sử để giáo dục người học. Tạo hứng thú ở người học bằng cách truyền cả niềm tin và lòng tự hào về sự nghiệp cách mạng Việt Nam và của nhân loại. Phương pháp giảng dạy và học phải hấp dẫn, lôi cuốn như diễn biến chính bản thân lịch sử… Tóm lại, cần có sự chuyển biến nhận thức toàn diện và có những hành động thiết thực, trước hết là đối với các trường phổ thông ở nước ta hiện nay.

Th.S Nguyễn Văn Công

Tin cùng chuyên mục