Ý kiến
Kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tôi chợt nhớ về các thế hệ cán bộ trước đây luôn vì dân, vì nước. Nhiều khi chỉ cần câu nói “Tất cả vì miền Nam ruột thịt - Tất cả vì tuyến đầu Tổ quốc” là mọi người, từ trẻ lẫn già, trong đó đi đầu là những cán bộ, đảng viên xung phong vào những gian khó, sẵn sàng hy sinh cả mạng sống của mình để cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân quyết giành lại độc lập, tự do cho đất nước. Thời chiến tranh ác liệt, thiếu thốn đủ bề là thế, vậy mà chúng ta vẫn quản lý, giáo dục tốt cán bộ.
Sau 40 năm từ ngày đất nước hòa bình, thống nhất, đáng lý ra, chúng ta có nhiều điều kiện để quản lý, giáo dục cán bộ tốt hơn. Có nhiều cách lý giải tình trạng này, chẳng hạn do ảnh hưởng mặt trái của cơ chế thị trường, luật pháp chưa đầy đủ, xử lý chưa nghiêm minh, cán bộ thiếu tu dưỡng đạo đức…Trong các nguyên nhân, có nguyên nhân là công tác quản lý cán bộ của chúng ta còn quá lỏng lẻo, không sâu sát hoạt động thực tiễn của cán bộ.
Một hiện tượng khá phổ biến, người có trách nhiệm và đứng đầu của ngành, địa phương, đơn vị coi như bản thân không có trách nhiệm gì đối với cán bộ dưới quyền mình phạm sai lầm, thậm chí sai lầm rất nghiêm trọng. Nhiều vụ tiêu cực xảy ra, người đứng đầu chỉ biết được khi vụ việc vỡ lở, cơ quan công an vào cuộc hoặc do nơi khác phát hiện! Có một thực tế là cách quản lý cán bộ ở nhiều cơ quan vẫn theo cách gián tiếp. Quản lý cán bộ như thế còn quan liêu lắm! Ngay những thời kỳ khó khăn nhất trong chiến tranh, chiến trường bị chia cắt, Đảng ta cũng không làm như vậy.
Tôi lo ngại hiện tượng “khoán” công tác quản lý cán bộ cho cơ quan chức năng. Cơ quan chức năng tuy rất quan trọng, là cơ quan tham mưu, nghiên cứu, đề xuất, thẩm định, hướng dẫn, kiểm tra nhưng không có nhiệm vụ quản lý trực tiếp. Đây là nhiệm vụ của cấp ủy. Trong quản lý cán bộ nói chung, từ thực tiễn qua các thời kỳ lãnh đạo và hoạt động của Đảng - hoạt động bí mật, rồi trải qua hai cuộc kháng chiến cho đến thời kỳ hòa bình xây dựng đất nước, bài học trước hết là: Cấp ủy quản lý cán bộ cấp nào thì phải nắm chắc, sâu sát cán bộ cấp đó. Để làm được việc này, cần công khai và minh bạch về tiêu chuẩn trong quy trình đánh giá cán bộ.
Muốn quản lý cán bộ sâu sát và chặt chẽ thì dứt khoát phải tiếp xúc trực tiếp với môi trường hoạt động của cán bộ, thông qua việc xem xét hoạt động thực tế của người cán bộ đó mới có thể hiểu rõ năng lực, phẩm chất, mặt mạnh, mặt yếu của họ. Không có bất cứ phương pháp gián tiếp nào như qua giấy tờ báo cáo hoặc các hình thức trung gian khác, kể cả quy trình “lấy phiếu tín nhiệm” có thể thay thế được phương pháp trực tiếp.
Đại tá LÊ TIẾN MINH
(Hội Cựu chiến binh tỉnh Vĩnh Long)