Đừng quản lý kiểu duy ý chí

Báo SGGP số ra ngày 23-1-2013 có đăng bài Quyết liệt ngăn chặn văn bản lỗi, đề cập tình trạng nhiều văn bản quy phạm pháp luật xa rời thực tế, không khả thi, điển hình là Thông tư 30 của Bộ Y tế quy định về điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố vừa có hiệu lực. Tôi rất đồng tình với vấn đề báo đề cập và xin phân tích thêm về sự duy ý chí khi soạn thảo và ban hành thông tư này.

Việc Bộ Y tế quan tâm chấn chỉnh tình trạng thiếu an toàn vệ sinh đối với thực phẩm bán trên đường phố là đáp ứng mong mỏi của nhiều người. Thức ăn đường phố là thực phẩm có nguy cơ không an toàn cao nhất hiện nay, do vậy cần phải kiểm soát chặt. Thế nhưng, dư luận lại không thể đồng tình với Thông tư 30 vì thấy rằng những quy định này gây khó cho người bán thức ăn đường phố, ban hành chiếu lệ, giao hết trách nhiệm cho chính quyền phường - xã, và chắc chắn tình trạng bắt cóc bỏ đĩa sẽ tái diễn. Hàng trăm ngàn người lao động đang bám vào vỉa hè kiếm kế sinh nhai sẽ khó có thể đáp ứng những yêu cầu quá cầu toàn mà thông tư này đặt ra.

Trong khi lực lượng, nhân sự để triển khai thực thi và kiểm soát quản lý bất cập, làm sao đòi hỏi người bán thức ăn đường phố phải có giấy chứng nhận sức khỏe, phải được tập huấn và cấp giấy xác nhận về kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm? Lại còn đòi hỏi nguyên liệu, phụ gia thực phẩm phải có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, trong khi thực tế không dễ tìm ra các chứng từ chứng minh nguồn gốc đối với các sản phẩm này trên thị trường.

Nếu không giải quyết được bài toán vừa đảm bảo quyền kinh doanh buôn bán của người dân vừa đảm bảo chất lượng thức ăn đường phố, chắc chắn Thông tư 30 dù là hết sức cần thiết nhưng sẽ phải chết yểu, bởi nhu cầu kinh doanh và sử dụng thức ăn đường phố của người dân là nhu cầu lớn, diễn ra hàng ngày. Một câu hỏi khác đang được đặt ra là hiện nay trên địa bàn TPHCM và các TP lớn khác có hàng trăm ngàn cơ sở kinh doanh và gánh hàng rong bán thức ăn đường phố, lực lượng nào sẽ đi kiểm tra trên thực tế khi thông tư này được áp dụng? Hàng rong rất khó quản lý và xử lý vi phạm do những gánh hàng này lưu động khắp nơi.

Một quy định được đưa ra trước hết phải phù hợp với thực tế, với trình độ phát triển của xã hội và đảm bảo điều kiện để thực hiện. Không nên ban hành những chỉ thị, thông tư với cách nhìn, cách nghĩ như đang ở trên mây, trong khi mọi việc lại đang xảy ra ở dưới đất. Đây là một quyết định có lợi cho sức khỏe người dân, nhưng gây sốc cho hàng trăm ngàn người bán hàng và đông đảo người tiêu dùng nên khó khả thi được. Thiết nghĩ với một chủ trương lớn như vậy nên tiến hành chấn chỉnh có lộ trình với các bước đi phù hợp để người dân hiểu, có sự chuẩn bị thực hiện. 

LÊ THIÊN NGÂN
(Quận Tân Phú, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục