Đừng quên những cái tên…

Một cái tên lớn trong làng điện thoại di động từ nay sẽ vắng bóng trên thương trường: Sony Ericsson. Với việc Sony chính thức mua lại toàn bộ cổ phần trong liên doanh sản xuất điện thoại di động, thương hiệu Sony Ericsson sẽ biến mất, thay thế bằng tên gọi mới: Sony Mobile Communication.

Trong một diễn biến khác, Apple - người khổng lồ công nghệ vẫn đang sa lầy trong vụ kiện tụng rắc rối với Công ty Shenzhen Proview (Trung Quốc) về nhãn hiệu thương mại iPad. Nghe đâu, số tiền Apple phải trả cho Shenzhen Proview để tiếp tục được bán iPad ở Trung Quốc có thể lên tới 1,6 tỷ USD.

Apple xem Trung Quốc là một trong những thị trường tăng trưởng quan trọng nhất của hãng, vì vậy nếu phải dừng bán sản phẩm ở Trung Quốc sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến công việc kinh doanh của “Trái Táo”.

Nói vậy để thấy rằng, những cái tên trên thương trường, hay chính xác hơn, thương hiệu đã được doanh nghiệp dày công xây dựng, là một phần vô cùng quan trọng của công việc kinh doanh. Điều tưởng như rất sơ đẳng này không phải doanh nghiệp nào cũng ý thức được, đặc biệt trong các thương vụ giữa doanh nghiệp Việt Nam với đối tác nước ngoài.

Nhiều nhà phân tích kinh tế đã không khỏi tiếc cho các doanh nghiệp Việt vội vàng bán đi thương hiệu của mình. Thương hiệu kem đánh răng Dạ Lan (Công ty TNHH Hóa mỹ phẩm Sơn Hải) là một ví dụ. Không “sống lâu” như ông bạn P/S vẫn còn phổ biến trên thị trường, sau khi được Công ty Unilever mua lại thương hiệu với giá 5 triệu USD; thương hiệu Dạ Lan sau khi được bán cho Colgate Palmolive năm 1995 với giá trị hơn 3 triệu USD, chỉ còn tồn tại được vài tháng, rồi vắng bóng hẳn trên thị trường, kết thúc một thời oanh liệt.

Gần đây, nhiều thương vụ mua bán sáp nhập không khỏi khiến người ta lo ngại những thương hiệu thuần Việt có thể rơi vào tình cảnh tương tự như Dạ Lan. Công ty Diana bán 95% cổ phần cho Unicharm (Nhật Bản) với giá 184 triệu USD; Công ty cổ phần Vinacafe Biên Hòa (VCF) bán 50,11% cổ phần cho Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer); còn UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã bán nốt 50% cổ phần trong Công ty Bia Huế (Huda) với giá 93 triệu USD cho Tập đoàn Carlsberg (Đan Mạch)...

Dù có điều kiện kèm theo Carlsberg phải đầu tư thêm để nâng công suất, phát triển thương hiệu và thị trường, nhưng điều này có lẽ chỉ được bảo đảm cho đến hết năm 2016 - thời điểm hết nhiệm kỳ của bộ máy lãnh đạo, nhân lực và hệ thống phân phối hiện nay. Từ năm 2017 trở đi, không ai dám đoan chắc về số phận của thương hiệu Việt này.

Hẳn là mỗi doanh nghiệp đều có cái lý riêng khi quyết định bán thương hiệu hay cổ phần cho đối tác. Thậm chí kể cả khi đang sản xuất kinh doanh có lãi như trường hợp của Diana hay Vinacafe Biên Hòa, chứ không phải vì sức ép thu xếp tài chính. Chỉ mong đó là những quyết định thực sự “chín” để sau này không bao giờ phải hối tiếc về quá khứ vinh quang, về một thương hiệu thuần Việt đáng tự hào như Dạ Lan.

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục