Nhìn lại năm 2016, giá xăng tăng 13 lần với tổng cộng gần 6.500 đồng/lít, trong đó có 9 lần giảm với mức gần 5.000 đồng/lít và 2 lần giữ nguyên giá. Tổng kết cả năm 2016, giá xăng chốt tăng khoảng 1.500 đồng/lít.
Bước sang năm 2017, trong kỳ điều chỉnh giá ngày 18-2, liên Bộ Công thương, Tài chính đã điều chỉnh giá xăng RON 92 theo hướng tăng lên mức tối đa 18.098 đồng/lít và xăng sinh học E5 tăng lên 17.818 đồng/lít. Sau đó, vào ngày 6-3, giá xăng RON 92 chỉ giảm 76 đồng/lít. Diễn biến ngược lại với giá xăng, các mặt hàng dầu diesel và dầu hỏa tăng nhẹ, chỉ 76 đồng/lít. “Điệp khúc” xăng dầu tăng giá cao, nhưng giảm nhỏ giọt đang lộ rõ sự bất cập trong chính sách và khâu điều hành giá.
Đổ xăng tại Cửa hàng xăng dầu Petrolimex số 13
Trên thực tế, việc điều hành giá trong nước hiện nay của cơ quan chức năng căn cứ vào Nghị định số 83/2014 về kinh doanh xăng dầu, có hiệu từ ngày 1-11-2014. Theo Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam Phan Thế Ruệ, thị trường xăng dầu chưa thật sự cạnh tranh theo đúng bản chất của kinh tế thị trường. Cụ thể, đáng lý DN phải cạnh tranh bằng giá, chất lượng, để người tiêu dùng hưởng lợi. Thế nhưng, cạnh tranh trên thị trường xăng dầu hiện nay mới chủ yếu dừng lại ở việc cạnh tranh thị phần. Tức là các DN làm sao để bán ra được nhiều, có được nhiều đại lý. Thời gian qua xuất hiện tình trạng DN cạnh tranh bằng cách tăng chi hoa hồng nhiều để giành giật đại lý, dẫn đến chi phí ngày càng bị đẩy cao lên, khiến giá bán lẻ cao theo. “Cạnh tranh kiểu này hoàn toàn bất lợi cho người dân và cả DN, không phù hợp quy luật thị trường”, ông Ruệ phân tích. Để khắc phục nhược điểm này, cần sớm sửa Nghị định 83/2014, theo hướng xem giá cơ sở là khung giá, còn chi phí bao nhiêu nên để DN tự quyết định.
Theo PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá (Bộ Tài chính), cách tính thuế phí trong mặt hàng xăng dầu hiện nay còn rất nhiều bất cập. Mỗi lít xăng dầu phải cõng quá nhiều thuế phí. Trong cơ cấu mặt hàng xăng dầu hiện nay, cách tính thuế là một yếu tố quan trọng trong công thức tính giá. Với thuế nhập khẩu, trong khi điều chỉnh giữa các quý, thuế nhập khẩu đã được tính không sòng phẳng, luôn ở mức cao nhất. Điều này đã dẫn đến tình trạng DN “móc túi” của người tiêu dùng. Do đó, những cơ quan quản lý cần kiểm soát giá, điều chỉnh thuế sao cho hợp lý, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, DN và người tiêu dùng. Muốn tạo ra nguồn thu cần phải nuôi dưỡng nguồn thu, đừng nên vắt kiệt.
VĂN DIỆU