Phần lớn người bệnh sau khi xét nghiệm cho kết quả gan nhiễm mỡ vẫn thường chủ quan và cho rằng “bệnh xoàng” vì thực tế bệnh không có biểu hiện mà diễn biến trong “im lặng”. Không chỉ những người uống rượu, bia mới bị bệnh gan mà những người không uống cũng dễ bị gan nhiễm mỡ. Tuy đây không phải bệnh cấp tính nhưng có thể dẫn đến viêm gan, xơ gan, thậm chí ung thư gan.
Bệnh từ lối sống
Khoa khám gan Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM luôn đông bệnh nhân vào mỗi buổi sáng. Một bác sĩ ở đây cho biết bệnh nhân đến khám có nhiều mức độ bệnh khác nhau, nhưng tỷ lệ gan nhiễm mỡ rất cao. Theo TS-BS Lê Mạnh Hùng, Phó Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới TPHCM, mỗi tháng bệnh viện tiếp nhận trung bình 20.000 lượt bệnh nhân đến khám, điều trị các bệnh về gan. Trong đó viêm gan siêu vi C mạn tính chiếm đa số và hầu như gan nhiễm mỡ thì bệnh nhân nào cũng có. Và gan nhiễm mỡ là một trong những yếu tố dẫn đến viêm gan B, C vốn dĩ có tỷ lệ nhiễm trong cộng đồng khoảng 4% - 5%. Tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, các bác sĩ phụ trách phòng khám gan cũng nhìn nhận không ít bệnh nhân đến thăm khám và phát hiện gan nhiễm mỡ. Tuy nhiên, thường những đối tượng này được cho điều trị ngoại trú, bởi gan nhiễm mỡ không phải bệnh cấp tính và có thể điều trị bằng cách điều chỉnh lối sống. Tại Bệnh viện Nhân dân 115, Trung tâm Y khoa Medic… mỗi ngày cũng có hàng trăm bệnh nhân được phát hiện gan nhiễm mỡ.
Theo các chuyên gia gan - mật, gan nhiễm mỡ (còn gọi thoái hóa mỡ gan) là tình trạng lượng mỡ tích tụ trong gan lớn hơn 5% trọng lượng gan. Triệu chứng thường thấy là chứng gan to kín đáo, gia tăng vừa phải các men chuyển hóa và phosphatase kiềm và hầu hết không nguy hiểm. Qua kết quả sinh thiết gan cho thấy có 3 loại gan nhiễm mỡ: Gan thoái hóa mỡ đơn thuần (gan bị thâm nhiễm bởi chất mỡ, không có kèm theo tình trạng viêm gan); viêm gan thoái hóa mỡ do rượu và viêm gan thoái hóa mỡ không do rượu. Theo BS Dương Công Minh, Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM, nguyên nhân gây gan nhiễm mỡ thường do dư cân, béo phì, do bệnh tiểu đường type 2, nghiện rượu, suy dinh dưỡng thiếu protein, giảm cân quá nhanh và dùng thuốc độc cho gan. Ngay cả trẻ em cũng có thể bị gan nhiễm mỡ, nhất là ở trẻ béo phì.
Biết bệnh nhưng chủ quan
Theo các chuyên gia gan mật, người mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu hầu như không có triệu chứng gì, thường phát hiện được nhờ siêu âm. Một số người chỉ có cảm giác đầy bụng, đi khám thì thấy gan to, mềm. Do đó, thường người bệnh chủ quan, không điều trị dứt điểm hoặc không cân chỉnh lối sống khiến bệnh ngày càng trầm trọng, dẫn đến viêm gan, xơ gan. “Hầu hết bệnh nhân đều cảm thấy khỏe mạnh mà không biết rằng nếu không điều trị kịp thời có thể diễn tiến nặng, chuyển thành viêm gan, xơ gan và có thể bị ung thư gan”, BS Dương Công Minh cho biết. Theo BS Minh, những người bị gan nhiễm mỡ đa phần đều không có triệu chứng bởi vì tình trạng lắng đọng mỡ tại gan xảy ra từ từ nên các biểu hiện cũng khó cảm thấy. Chỉ khi nào tốc độ lắng đọng mỡ trong gan nhanh, lúc đó gan có thể lớn, bao gan căng ra và khi đó bệnh nhân mới có cảm giác đau tức hoặc nặng vùng gan. Trong một số trường hợp có thể gây tình trạng vàng da, buồn nôn và nôn.
Theo các chuyên gia về gan, hiện không có thuốc đặc trị bệnh mà chỉ có thuốc hỗ trợ hồi phục tế bào gan. Vì thế, nếu điều trị sớm gan nhiễm mỡ có thể hồi phục hoàn toàn, nhưng nếu để muộn có thể thành viêm gan, xơ gan, rất khó chữa.
Để phòng bệnh, theo các chuyên gia về gan nên có một chế độ ăn uống hợp lý, ít calo, nhiều rau, trái cây, ăn đủ lượng protit, gluxit... đồng thời tăng cường vận động, không lạm dụng rượu, bia. Khi phát hiện bệnh, nên điều trị theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. Ngoài ra, các chuyên gia cũng khuyến cáo người sử dụng trên 30 gam cồn (3 lon bia trở lên) mỗi ngày có nguy cơ cao mắc các bệnh lý về gan. Về mặt dinh dưỡng, BS Dương Công Minh cho rằng cần giảm cân nếu đang béo phì (hạn chế năng lượng dư thừa). Giảm ăn thực phẩm giàu cholesterol như các loại đồ lòng, phủ tạng, da… động vật, lòng đỏ trứng… Ưu tiên chọn dầu thực vật (trừ dầu dừa), hạn chế mỡ động vật (trừ mỡ cá). Ăn chất đạm vừa phải, đúng với khả năng của gan. Tăng cường lượng rau, trái cây; ngưng uống rượu, bia. Mặt khác, cần kiểm tra đường huyết, cholesterol và triglyceride máu định kỳ mỗi 6 tháng (hoặc theo hướng dẫn của bác sĩ tùy theo tình trạng bệnh lý của mỗi cá nhân).
Theo Hội Gan - mật - tụy TPHCM, tỷ lệ bệnh nhân gan nhiễm mỡ ngày càng gia tăng với ước tính khoảng 10% - 24% dân số bị gan nhiễm mỡ (nam nhiều hơn nữ); 50% bệnh nhân rối loạn mỡ máu có gan nhiễm mỡ; 25% bệnh nhân gan nhiễm mỡ kèm viêm gan có thể dẫn đến xơ gan và tử vong. Có đến 50% trường hợp phát hiện bệnh gan nhiễm mỡ do tình cờ khi đi khám sức khỏe hoặc khám các bệnh không liên quan... Một số trường hợp phát hiện gan nhiễm mỡ khi người bệnh đã ở giai đoạn viêm gan, xơ gan. |
QUỲNH CHI