Đừng xem thường kỹ năng phòng chống thiên tai

Giữa tháng 7-2018, cả nước bước mùa mưa bão được xem là khốc liệt. Các tỉnh vùng núi phía Bắc lo ứng phó lũ quét, miền Trung đối diện với bão, miền Nam thì giông lốc liên miên. Các hình thái thiên tai phức tạp và cường độ khốc liệt hơn. 
Tại ĐBSCL, có thể nói lốc xoáy đạt đỉnh điểm trong hàng chục năm qua. Gần như tỉnh nào cũng xuất hiện dông lốc gây thiệt hại nặng nề. Chỉ tính trong tháng 7-2018, đã có 2 người dân ở Kiên Giang và Hậu Giang thiệt mạng do dông lốc. Gần như tỉnh nào cũng có hàng trăm căn nhà bị dông lốc làm sập, tốc mái. Riêng Hậu Giang, có tuần cứ 2 ngày xảy ra 1 trận lốc xoáy. Cụ thể, trong tháng 7-2018 (các ngày 5, 7, 9 và 11-7) dông lốc liên tục xảy ra làm sập và tốc mái hàng chục căn nhà.
Cách đây hơn 20 năm, cứ mỗi lần những “con nước đỏ nặng phù sa” từ dòng Mê Công đổ về hạ nguồn ĐBSCL cũng là thời điểm các cuộc diễn tập trên quy mô lớn diễn ra ở ĐBSCL với những hoạt động tuyên truyền, huấn luyện người dân kỹ năng “kê kích, chằng néo” nhà cửa trước mùa mưa lũ. Thế nhưng khi vắng lũ, các cuộc diễn tập cũng thưa dần. Các cụm từ “kê kích, chằng néo” nhà cửa dường như cũng ít xuất hiện. Đây thật sự là điều đáng lo, nếu chủ quan, các tỉnh ĐBSCL sẽ nhận hậu quả khó lường. Trước mắt là tần suất xuất hiện lốc xoáy ngày càng dày đặc và khốc liệt hơn và không loại trừ nguy cơ bão sẽ ập đến vùng ĐBSCL trong mùa mưa bão. 
Nhớ 20 năm trước, chuyện an cư cho người dân vùng đầu nguồn lũ An Giang, Đồng Tháp là đề tài nóng. Bởi nước lũ dâng cao, nhiều người dân ở nhà tạm bợ phải di tản chạy lũ. Những gia đình có kinh nghiệm thì cất nhà trên cột bê tông vững chắc chung sống với lũ. Chính vì vậy, nhiều chương trình từ tôn cao nền nhà, nhà trên cọc, đến cụm tuyến dân cư đã được hình thành. Các công trình này đã từng bước an cư cuộc sống của người dân vùng đầu nguồn.
Trong khoảng 5 năm trở lại, mô hình này được người dân nơi cuối đất Cà Mau nhân rộng. Chỉ có điều, người dân ở nơi cuối đất có cách gọi ví von hơn, đó là “nhà cao cẳng” thay vì nhà trên cọc (cột) như người dân đầu nguồn lũ gọi. Thật ra, chuyện “nhà cao cẳng” như bản năng sinh tồn đã có từ lâu đời của những người có thâm niên sinh sống ở nơi cuối đất. Bởi hơn ai hết, họ hiểu hai mùa mưa - nắng tương đồng với hai mùa mặn - ngọt. Họ thấm thía hơn với triều cường, nước biển dâng. Họ bắt đầu thay “cẳng gỗ bằng cẳng bê tông”. Giờ ở Cà Mau, chuyện xây “nhà cao cẳng” xuất hiện nhiều ở các nơi giáp biển như: Phú Tân, Năm Căn, Ngọc Hiển, Đầm Dơi. Trụ sở các địa phương cũng bắt đầu học kỹ năng sống của người dân, chọn xây dựng theo phong cách “nhà cao cẳng”!
“Do sự biến đổi của thời tiết cực đoan, mẫu nhà sàn hiện nay có sự thay đổi ít nhiều để phù hợp, dễ thấy nhất là cái sàn được nâng cao lên quá hẳn đầu người”, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển Lý Hoàng Tiến nhận định. Ngoài chống ngập nước, “nhà cao cẳng” có thêm không gian rộng rãi, thoáng đãng, có thể làm nơi tránh trú bão. Đây còn là cách dự phòng hữu hiệu chống được xâm nhập mặn, nước biển dâng. Chính vì vậy, việc diễn tập, tuyên truyền tập huấn kỹ năng thích ứng trước mọi diễn biến phức tạp của các hình thái thiên tai là rất cần thiết.
Gần đây, người dân ở U Minh Thượng (Kiên Giang) và U Minh Hạ (Cà Mau), Bến Tre… đã tận dụng mùa mưa để trữ nước ngọt “trời ban” trong lu, kiệu để dùng trong mùa khô hạn. Người dân Cà Mau cũng đã sẵn sàng trong tâm thế thích ứng với biến đổi khí hậu khi cất “nhà cao cẳng”. Chuyện tuyên truyền, tập huấn để nâng cao ý thức cho người dân “kê kích, chằng néo” nhà cửa trong mùa dông bão ở ĐBSCL là rất cần thiết.

Tin cùng chuyên mục