Đuối nước trở thành chuyện lớn

Vụ chìm tàu du lịch trên sông Hàn (Đà Nẵng) cho thấy không thể chủ quan với hiểm họa sông nước. Cùng với việc đảm bảo an toàn giao thông đường thủy, mỗi người cần phải có kỹ năng bơi lội. Trong những ngày gần đây, mới vào hè, trên cả nước đã liên tục xảy ra nhiều vụ trẻ em chết đuối thương tâm. Số liệu mới công bố của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy một thực trạng đáng báo động: Việt Nam có số trẻ em bị chết đuối hàng năm rất cao (trên 11.500 trẻ), đứng thứ hai thế giới (sau Bangladesh, có gần 17.000 trẻ). Trong khi đó, Thái Lan cũng là nước có nhiều sông rạch nhưng bình quân số trẻ em chết đuối hàng năm chỉ khoảng 2.600 trẻ em.

Đuối nước đang là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong đối với trẻ em ở Việt Nam. Số vụ chết đuối xảy ra nhiều nhất vào thời điểm học sinh nghỉ hè, trong mùa mưa lũ. Thống kê cho thấy có hơn 50% các trường hợp trẻ bị chết đuối khi tắm sông, hồ, ao… ở gần nhà. Trẻ em ở nông thôn bị chết đuối nhiều hơn ở khu vực thành thị, nhất là các tỉnh có nhiều sông rạch ở miền Tây Nam bộ, hay các tỉnh có sông sâu, nước chảy xiết ở miền Trung.

Trong bối cảnh đó, lại rất thiếu những biện pháp hữu hiệu của gia đình, nhà trường và xã hội nhằm giúp trẻ có thể ứng phó với hiểm họa sông nước. Từ 5 năm nay, Bộ GD-ĐT đã triển khai việc phổ cập bơi lội cho học sinh tiểu học, thế nhưng hiện rất nhiều trường, nhiều địa phương vẫn chưa thực hiện. Lý do trên địa bàn thiếu hồ bơi; nơi có hồ bơi thì thiếu huấn luyện viên. Nhưng sự thực đó không phải là nguyên nhân không thể khắc phục, cái chính là ngại khó và thiếu trách nhiệm. Ban giám hiệu các trường không thực hiện việc phổ cập bơi lội cho học sinh cũng không bị khiển trách gì, nên chẳng thấy cần phải cố gắng phổ cập bơi lội cho học sinh. Nếu nghĩ đến con số khủng khiếp về trẻ em nước ta bị đuối nước, các trường, các địa phương đã không thể chần chừ với trách nhiệm tìm cách đầu tư nhân lực và cơ sở vật chất để phổ cập bơi lội cho học sinh.

Điều cần làm ngay khi bước vào năm học mới là ngành GD-ĐT phải đưa môn bơi vào chương trình học chính khóa cho học sinh phổ thông ngay từ bậc tiểu học. Lâu nay dư luận đã nhiều lần phàn nàn về sự bất hợp lý trong các môn thể thao được dạy trong nhà trường, cứ luẩn quẩn như nhảy xa, nhảy cao, cầu lông, bóng chuyền, bóng bàn, mà lờ đi môn bơi lội - một môn thể thao có tính chất phát triển toàn diện thể chất của học sinh. Đây cũng là môn học trang bị cho học sinh kỹ năng sinh tồn, phòng tránh được tai nạn có thể cướp đi mạng sống của mình.

Một yêu cầu cấp bách là đầu tư xây hồ bơi ở tất cả các quận - huyện trong cả nước để đáp ứng yêu cầu phổ cập bơi lội và rèn luyện thể lực. Cùng với nguồn vốn ngân sách, cần ràng buộc trách nhiệm các chủ đầu tư dự án khu dân cư mới phải dành đất xây dựng hồ bơi (vì đây cũng là cơ sở hạ tầng xã hội khu dân cư), có chính sách khuyến khích tư nhân đầu tư xây dựng khai thác hồ bơi. Vốn đầu tư xây dựng hồ bơi không quá lớn và có thể thu hồi vốn qua việc bán vé bơi và cho các trường thuê để đưa học sinh đến học bơi, nên không khó kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia. Việc cần làm là các thành phố, các thị xã cần quy hoạch dành đất cho việc xây dựng hồ bơi và ưu tiên dành ngân sách cho việc xây dựng hồ bơi. Không chỉ ở thành thị, mà ở các huyện nông thôn cũng nên đưa tiêu chí có hồ bơi vào tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Việc thiếu giáo viên dạy bơi cũng có thể dễ dàng khắc phục nếu như cho phép nhà trường liên kết với các trung tâm thể dục thể thao, câu lạc bộ bơi lội, hoặc huy động xã hội hóa, mời gọi những người có nghề và kinh nghiệm hướng dẫn cho học sinh.

VĂN PHONG

Tin cùng chuyên mục