Trong bối cảnh hiện nay, kích cầu du lịch đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cần gắn với việc hợp tác, thúc đẩy sự phát triển các ngành dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ vận chuyển hành khách.
Cải thiện nội lực
Những năm gần đây, một số cơ sở hạ tầng trọng yếu của vùng ĐBSCL đã được hoàn thành (sân bay quốc tế Cần Thơ, sân bay quốc tế Phú Quốc; cầu Cần Thơ…) tạo thuận lợi lớn cho phát triển du lịch. Các tỉnh, thành cũng đầu tư xây mới, nâng cấp nhiều khu, điểm du lịch như: khu du lịch Hồ Nam (Bạc Liêu), khu du lịch 9 Rồng (Vĩnh Long), khách sạn Vạn Phát 1, 2 (Cần Thơ)…
Ngoài việc Hiệp hội Du lịch ĐBSCL (MDTA) ký kết chương trình hợp tác với Hiệp hội Du lịch TPHCM, Đà Nẵng, Hà Nội…, hàng loạt hội nghị, hội thảo tìm giải pháp phát triển bền vững du lịch đã diễn ra trong vùng.
Nhờ những nỗ lực đó, lượng khách đến với ĐBSCL được cải thiện rõ rệt. “Năm 2010 đoàn xúc tiến quảng bá du lịch ĐBSCL tổ chức hội thảo giới thiệu du lịch ĐBSCL tại Đà Nẵng và Hà Nội, từ đó đến cuối năm 2012, khách du lịch khu vực phía Bắc đến các điểm du lịch ĐBSCL đều tăng so với những năm trước đó”, ông Nguyễn Trường Giang, Phó chủ tịch MDTA nhấn mạnh. Tháng 5-2013, MDTA lại phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch TP Cần Thơ tổ chức chương trình quảng bá du lịch ĐBSCL tại Hà Nội. Ngay sau đó, một loạt hợp đồng được ký kết giữa các nhà tổ chức du lịch, các khách sạn, nhà hàng… của hai đầu đất nước đã góp thêm hưng phấn cho ngành du lịch đồng bằng.
Nối đường bay ra miền Trung
Tuy nhiên, sự suy giảm sâu của kinh tế toàn cầu đã khiến 4 tháng đầu năm 2013, lượng du khách nước ngoài đến Việt Nam chỉ đạt 2,4 triệu lượt khách, giảm 5,6% so với cùng kỳ 2012. ĐBSCL cũng không ngoại lệ. Khai thác mạnh hơn lượng khách nội địa, thị phần còn nhiều tiềm năng là mục tiêu của ngành du lịch đồng bằng.
Kích cầu du lịch của ĐBSCL gắn với việc hợp tác, thúc đẩy sự phát triển các ngành dịch vụ là cần thiết trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt là dịch vụ vận chuyển hành khách. Và người đồng bằng lại kỳ vọng vào một đường bay mới, đường bay Cần Thơ - Đà Nẵng. Thực ra, kỳ vọng này được “nuôi” gần chục năm nay, qua các cuộc họp liên kết và giao lưu du lịch ở Đà Nẵng, Cần Thơ. Nhiều văn bản của Công ty Lữ hành Vitours (Đà Nẵng) và Công ty Du lịch Cần Thơ “bay qua, bay lại” nhằm tạo sự hỗ trợ từ chính quyền, khảo sát hạ tầng, nhu cầu… Yếu tố “thăm thân” từ lịch sử lưu tán của dân “Ngũ Quảng” vào vùng đất đồng bằng thuở khai hoang mở cõi cũng được các nhà tổ chức du lịch đưa ra cho đường bay mới này.
“Chúng ta cần đường bay Đà Nẵng - Cần Thơ”, ông Benoit Perdu, Giám đốc Công ty TransMekong, có thâm niên 15 năm tại ĐBSCL trong lĩnh vực ăn uống, khách sạn, du thuyền đã nêu ra trong Hội thảo “Tìm giải pháp kích cầu du lịch ĐBSCL”. Theo doanh nhân này, sau khi tham khảo các công ty lữ hành lớn, chuyên nghiệp, có uy tín (DMC) đã đưa ra con số: “Khoảng 30% hành khách nước ngoài của họ muốn bay giữa Cần Thơ - Đà Nẵng, tức gần 200.000 khách nước ngoài mỗi năm, chưa tính mức tăng trưởng thị trường ĐBSCL”. Benoit Perdu phân tích: Nếu có tuyến bay này, khách sẽ được gia tăng thời gian lưu trú, tham quan tại đồng bằng; Cần Thơ và ĐBSCL trở thành điểm đến chính chứ không thuộc chương trình phụ nữa. “Mở đường bay này là khả thi. Tất cả chúng ta có thể giảm chi phí cố định trên đầu khách, và vì vậy giảm giá thành các dịch vụ của chúng ta” - Benoit Perdu nhận định.
Liệu “Con đường di sản miền Trung” sẽ nhanh chóng hanh thông với du lịch miệt vườn sông nước Cửu Long?. Đà Nẵng sẽ là điểm nối tiếp theo sau đường bay Hà Nội - TPHCM đến với Cần Thơ và vùng châu thổ?
| |
VŨ THỐNG NHẤT