Đường dài của gạo Việt

Vài năm gần đây, gạo Việt Nam không chỉ có giá bán cao hơn trước mà còn từng bước khẳng định được uy tín, thương hiệu. Tuy nhiên, để có thị trường xuất khẩu ổn định, cần có chiến lược đường dài để hạt gạo trở thành “hạt vàng”.

Nâng chất lượng  

Theo số liệu thống kê của Bộ NN-PTNT, từ đầu năm 2020 đến nay, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu, nhưng xuất khẩu (XK) gạo vẫn được coi là điểm sáng nhất của Việt Nam với sản lượng XK lên tới 4,5 triệu tấn và trị giá 2,2 tỷ USD; tuy giảm 1,7% về khối lượng, nhưng lại tăng 10,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Trong số này, giá trị XK gạo trắng chiếm 45,2% tổng kim ngạch; gạo jasmine và gạo thơm chiếm 36,6%; gạo nếp 13,7%; gạo japonica và gạo giống Nhật 4,5%...

Việt Nam hiện có những loại gạo thơm giá XK hơn 1.000USD/tấn, thậm chí có thời điểm vượt cả Thái Lan ở cùng phân khúc và chủng loại gạo. Dự báo, giá gạo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới; đây là tín hiệu vui đối với mặt hàng lúa gạo và nông dân Việt Nam.

Đường dài của gạo Việt ảnh 1 Giới thiệu các loại gạo ngon của Sóc Trăng. Ảnh: HUỲNH LỢI
Quay trở lại thị trường nội địa, nếu trước đây người tiêu dùng trong nước thường ưa dùng gạo Thái Lan thì vài năm gần đây, các loại gạo thơm, chất lượng cao của Việt Nam như ST24, tám thơm Điện Biên, tám xoan Hải Hậu, VĐ20, tài nguyên Chợ Đào, gạo lức huyết rồng, nếp cẩm, nếp Tú Lệ, Séng Cù... được người tiêu dùng trong nước sử dụng ngày càng nhiều. Giá gạo thơm, gạo đặc sản, gạo jasmine có giá 22.000 - 50.000 đồng/kg.

Đặc biệt, sau khi gạo ST25 của Việt Nam giành danh hiệu “Gạo ngon nhất thế giới”, đã tạo cơn sốt “săn lùng” loại gạo này ở thị trường trong nước từ cuối năm 2019 đến nay. Nguyên do là gạo ST25 lúc giành “ngôi vương” chỉ mới là sản phẩm sản xuất thử nghiệm nên chưa đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa. 

TS Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp - nông thôn, nhận định, lúa gạo là một trong những ngành hàng thành công nhất thời gian qua. Chất lượng gạo cũng thay đổi và ngày càng được nâng cao.

Rất nhiều nguyên nhân dẫn đến những thành công nêu trên, như: Việt Nam có hệ thống thủy lợi được đầu tư, xây dựng bài bản nhằm phục vụ sản xuất lúa gạo; hệ thống chế biến, bảo quản tốt; đẩy mạnh và thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất...

Cùng với đó, nông dân luôn sẵn sàng tiếp thu và ứng dụng các thành tựu khoa học - kỹ thuật vào đồng ruộng, chẳng hạn áp dụng “1 phải, 5 giảm” (phải sử dụng giống lúa cấp xác nhận hoặc nguyên chủng; giảm lượng hạt giống gieo trồng, giảm phân bón, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm lượng nước tưới, giảm thất thoát sau thu hoạch) hoặc “3 giảm, 3 tăng” (giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng thuốc trừ sâu bệnh, giảm lượng phân đạm; tăng năng suất lúa, tăng chất lượng lúa gạo và tăng hiệu quả kinh tế). 

Trong XK gạo, Việt Nam đang chịu cạnh tranh gay gắt từ Thái Lan, Ấn Độ, Campuchia. Vì vậy, nếu không khẳng định được chất lượng, chắc chắn gạo Việt Nam không có được kết quả XK ấn tượng như thời gian qua. Tuy nhiên, để gạo Việt ngày càng khẳng định uy tín, thương hiệu trên thị trường quốc tế, tạo được nhiều lợi thế trong cạnh tranh, ngoài việc nông dân phải ứng dụng đầy đủ các thành tựu khoa học - kỹ thuật, quy định, tiêu chuẩn vào sản xuất thì Nhà nước cũng cần có các cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích đặc thù để hỗ trợ người dân và ngành lúa gạo; kể cả hỗ trợ lãi suất vay vốn ngân hàng để các hộ nông dân, doanh nghiệp (DN), hợp tác xã đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị phục vụ hoạt động sản xuất, chế biến gạo XK. 

"Việc xuất khẩu các nông sản chủ lực của Việt Nam sang thị trường EU, trong đó có gạo, không chỉ góp phần nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam mà còn là tín chỉ chứng minh giá trị, chất lượng nông sản Việt Nam trên trường quốc tế"
             Bộ trưởng Bộ NN-PTNT NGUYỄN XUÂN CƯỜNG

Tạo thương hiệu

5 năm trước, chúng ta đã có đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030. Năm 2018, lần đầu tiên Việt Nam có thương hiệu gạo quốc gia sau nhiều năm tham gia thị trường XK. Hiện thương hiệu gạo Việt Nam đã làm thủ tục bảo hộ quốc tế. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm có logo, thương hiệu này vẫn chỉ dừng ở việc ban hành quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận gạo quốc gia cho các tổ chức, cá nhân và được sử dụng đối với gạo trắng, gạo trắng thơm và gạo nếp trắng. Để mang thương hiệu gạo quốc gia, DN phải thỏa mãn nhiều tiêu chuẩn như tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế IFS, tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm hay đạt hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000...

Trên thực tế, gạo Việt Nam khi xuất vào một số thị trường đòi hỏi chất lượng cao thường gặp một số rủi ro về chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật, đặc biệt là thị trường Mỹ, cho nên, về mặt tâm lý DN còn đang dè chừng. Lần này, với EVFTA, nếu sản xuất lúa gạo đảm bảo được tất cả các tiêu chuẩn kỹ thuật của EU thì sản phẩm mới bán được vào thị trường Mỹ và duy trì sự ổn định. Đó cũng là cơ hội để các DN hướng tới tiếp tục đầu tư. Như vậy, có thể xem thị trường EU là điểm khởi xuất để gạo Việt Nam đi vào các thị trường chất lượng cao khác. Một khi thị trường EU đã chấp nhận, sẽ giúp tạo thành và củng cố thương hiệu gạo Việt. 

Theo một số DN XK, áp dụng tiêu chuẩn gạo quốc gia phải nhấn mạnh được truy xuất nguồn gốc, xác định vùng nguyên liệu, thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP, GlobalGAP) trong các loại cây trồng thì nhà sản xuất, XK mới có được chất lượng đồng đều. Việc nhận diện kịp thời những khó khăn, thách thức trong sản xuất lúa và XK gạo cũng giúp người dân, DN tránh được các rủi ro, góp phần thúc đẩy toàn diện ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển, trong đó có mặt hàng lúa gạo.

Tin cùng chuyên mục