5 năm qua, từ 2010-2015, TPHCM đã đầu tư xây dựng 331,77km đường, đạt 157% so với chỉ tiêu; thêm 74 cây cầu, đạt 148% và mật độ đường giao thông đã được đẩy lên tới 1,95km/km², đạt 102%; tỷ lệ đất dành cho giao thông 8,28%, đạt 101 % kế hoạch. Nhưng nếu so với tốc độ phát triển của các phương tiện giao thông bao gồm cả phương tiện giao thông cá nhân và phương tiện giao thông công cộng, diện tích cầu đường tăng thêm ấy vẫn chưa đủ sức cáng đáng nhu cầu đi lại của người dân. Mật độ đường giao thông nêu trên vẫn thấp hơn quy chuẩn xây dựng VN về quy hoạch xây dựng đường: 10-13,3km/km² tới gần chục lần.
Theo ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TPHCM, hiện TPHCM có khoảng 7,45 triệu xe cá nhân, tăng gấp 1,5 lần so với 3 năm trước. Cộng thêm số phương tiện từ các tỉnh, thành đổ về, trung bình mỗi ngày thành phố có khoảng 10 triệu phương tiện lưu thông. Chưa kể, mỗi ngày công an TPHCM nhận đăng ký mới 150 ô tô, 900 xe máy. Hệ thống đường của TPHCM đa phần đều nhỏ. Theo Sở GTVT TPHCM, trên địa bàn thành phố chỉ có khoảng 14% số đường có lòng đường rộng từ 12m trở lên, khoảng 51% số đường có chiều rộng lòng đường từ 7m đến 12m và 35% số đường còn lại có chiều rộng lòng đường dưới 7m.
Trong bối cảnh tất cả các phương tiện giao thông đều… tăng như vậy, xe buýt lấy đường đâu mà đi? Chỉ tính riêng ở khu vực cảng Cát Lái, mỗi ngày đã có 20.000 xe container đi qua, còn ở trạm thu phí xa lộ Hà Nội mỗi ngày có khoảng 50.000 lượt ôtô và 500.000 lượt xe 2 bánh lưu thông. Khu vực này cũng là một trong những khu vực có mật độ xe buýt lưu thông nhiều nhất, bởi nơi đây có khu đại học quốc gia với gần chục trường đại học, khu công nghệ cao, khu du lịch Suối Tiên… Do đó, bên cạnh kế hoạch làm đường ưu tiên cho xe buýt hoạt động, TPHCM cũng phải nghiên cứu đến việc từng bước hạn chế sự phát triển của xe cá nhân.
Khách quan mà nói, đây là việc không dễ làm bởi đụng chạm đến quyền lợi của người dân. Thế nhưng, đã xác định vận tải hành khách công cộng là loại hình vận tải chính phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, TPHCM phải nghĩ tới việc hạn chế sử dụng xe cá nhân, bởi dù có thu xếp được nguồn tài chính khổng lồ (điều hầu như không thể xảy ra trong thời điểm hiện nay), TPHCM cũng không có đủ đất đai để mở đường, xây đường mới mãi được.
Tâm Đức