Nhiều cư dân ở tuyến đường An Dương Vương (một bên là địa bàn quận 8, một bên là địa bàn quận Bình Tân, TPHCM) liên tục kêu cứu với Báo SGGP về việc con đường này đã hư hỏng nhiều năm do thường xuyên ngập úng vì chưa có cống thoát nước.
Dự án trên giấy
Đường An Dương Vương kéo dài từ vòng xoay Phú Lâm đến bến phà Phú Định, riêng đoạn hư hỏng do chưa có cống thoát nước kéo dài từ cầu Mỹ Thuận đến bến phà. Theo ghi nhận của chúng tôi, có những “ổ voi” nằm choáng giữa con đường và được bao quanh bằng nhiều “ổ gà” sát mé nhà dân, đoạn từ đường Võ Văn Kiệt đến cầu Mỹ Thuận. Mỗi khi qua đây, các phương tiện giao thông phải chạy thật chậm nối đuôi nhau qua đoạn đường khoảng 500m. Chỉ ô tô mới đi giữa đường, còn xe máy phải đi sát nhà dân nhưng vẫn “sập bẫy” ổ gà.
Một hộ kinh doanh gần cầu Mỹ Thuận - nơi có 2 khung sắt đặt cảnh báo người đi đường có hố sâu phía trước - cho biết: “Chỉ cần mưa liên tục là nước không thoát kịp, dẫn đến xuất hiện “ổ voi”, khiến nhiều người bị ngã. Thấy vậy, người dân phải đặt biển cảnh báo. Nước ở đây có thoát nổi đâu, mỗi lần mưa nước ngập phải đến cả tuần mới rút hết. Khổ nhất là hộ kinh doanh cũng không buôn bán được trong những năm qua vì con đường ngày càng xuống cấp trầm trọng”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tháng 10-2014, Sở GTVT TPHCM phê duyệt dự án đầu tư công trình xây dựng hệ thống thoát nước trên đường An Dương Vương (đoạn từ cầu Mỹ Thuận cho đến bến Phú Định) nhưng đến tháng 8-2015 mới phê duyệt hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công - dự toán công trình.
Những “ổ gà, ổ voi” này khi nước ngập sẽ thành bẫy chờ chực người đi đường
Các đơn vị chờ nhau
Ngày 31-8, Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước TPHCM có văn bản thống nhất phương án thực hiện cao độ, hiện hữu của đường từ +1,2 - 1,5m, nên dự án phải nâng từ 0,4 - 0,8m để đảm bảo cao độ +2,0. Theo hồ sơ thiết kế được phê duyệt, hệ thống thoát nước trên đường An Dương Vương sẽ được đổ vào Rạch Nhảy - Ruột Ngựa. Đồng thời, trung tâm sẽ gửi phương án về độ cao cho quận 8 và quận Bình Tân để đảm bảo sự đồng thuận từ người dân, cũng như chính quyền địa phương. Tại nơi thi công, trung tâm đã có vạch sơn màu xanh điều chỉnh cao độ hoàn thiện vỉa hè, vạch sơn màu đỏ thực hiện theo hồ sơ thiết kế được Sở GTVT phê duyệt để các đơn vị, địa phương xem xét thống nhất phương án.
Ông Lê Quang Phú, Giám đốc Ban Quản lý dự án thoát nước đô thị của trung tâm, cho biết: “Hiện đơn vị đã thi công gần xong gói số 1 từ đường số 4 tới Rạch Nhảy - Ruột Ngựa, bọc ra hướng cầu Mỹ Thuận và đang chờ ngành cấp nước, điện lực di dời để tiếp tục thi công phần còn lại. Riêng đoạn Võ Văn Kiệt đến bến Phú Định có liên quan đến gói thầu cấp nước ống có D400-800mm nên đang chờ cấp nước. Cống kiểm soát triều và trạm bơm Rạch Nhảy - Ruột Ngựa đã đưa vào khai thác với mức nước đã khống chế một phần ảnh hưởng triều cường gây ngập đối với tuyến đường. Điều này cũng có nghĩa có thể xem xét hạ thấp cao độ mặt đường hoàn thiện so với hồ sơ thiết kế. Về mặt kỹ thuật sẽ hạ cao độ xuống thấp nữa để đảm bảo về mặt kết cấu, tạo điều kiện cho người dân chỉnh trang đô thị”. UBND phường An Lạc (quận Bình Tân) cho biết, trước kia hai bên đường là đất trống nên thoát nước nhanh. Do một phần tốc độ đô thị hóa nhanh đã khiến nhà mọc san sát nhau, dẫn đến không có cống thoát nước. Hiện UBND phường đang lấy ý kiến người dân để thống nhất về cao độ.
Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn cho hay, công ty tiến hành di dời đường ống kết hợp thay thế đồng hồ tổng; cô lập và tạm ngưng cung cấp nước tuyến ống D800mm từ 22 giờ ngày 24 đến 9 giờ ngày 25-9, dự kiến khoảng 11 giờ. Trong và sau thời gian tiến hành công tác này, do xáo trộn thủy lực sẽ có một số khu vực phường 10, 11, 12 (quận 6), phường 7, 16 (quận 8) và phường An Lạc, An Lạc A (quận Bình Tân) bị ảnh hưởng nước yếu, thiếu nước hay bị đục cục bộ khi phát nước trở lại. Còn Công ty Điện lực Bình Phú cho hay, đang chờ trung tâm thi công vỉa hè thì công ty mới có thể làm đường dây điện.
THANH HẢI