Đường Nguyễn Duy Trinh “kêu cứu”


Cảng Phú Hữu (quận 9, TPHCM) hoàn thành đưa vào khai thác từ tháng 7-2010 với mục đích giảm áp lực cho cảng Cát Lái. Tuy nhiên, việc này lại khiến tuyến đường Nguyễn Duy Trinh (phường Phú Hữu, quận 9) bị quá tải trầm trọng. 
Đường Nguyễn Duy Trinh hiện đang quá tải
Đường Nguyễn Duy Trinh hiện đang quá tải

Để “giải cứu” cảng Phú Hữu, TPHCM đã sớm phê duyệt dự án mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh lên 30m, với chiều dài hơn 1,6km,  tổng mức đầu tư khoảng 930 tỷ đồng. Thế nhưng, đến nay dự án vẫn chưa thể triển khai.

Cung đường “tử thần” 

Theo người dân sinh sống dọc hai bên đường Nguyễn Duy Trinh, từ ngày cảng Phú Hữu đưa vào hoạt động, lượng xe tải, xe container tăng đột biến, trong khi đó mặt đường quá hẹp, khiến tai nạn và ùn ứ giao thông xảy ra thường xuyên. Trước thực trạng trên, Sở GTVT đã cấm ô tô tải có tải trọng trên 5 tấn lưu thông từ 6 giờ đến 22 giờ hàng ngày trên đường này. Thế nhưng, xe tải, xe container vẫn lưu thông trong giờ cấm. Tuyến đường này được ví là “con đường tử thần”, bởi trong 2 năm qua đã có 15 người đi xe máy tử vong. Đường Nguyễn Duy Trinh đã có kế hoạch mở rộng, nhưng người dân chờ mãi vẫn chưa thấy động tĩnh gì. 

Cảng Phú Hữu là một trong những cảng có vai trò quan trọng ở khu vực phía Đông TPHCM, được xem là một phần của cảng Cát Lái mở rộng. Đây là cảng có quy mô, thiết bị cảng biển hiện đại và cũng là cảng đầu tiên tại khu vực phía Nam áp dụng mô hình hải quan điện tử thành công. Cảng Phú Hữu nằm trong quy hoạch của nhóm cảng biển số 5, thuộc khu bến cảng trên sông Đồng Nai. Về đường bộ, cảng có kết nối đường Vành đai 2 và cao tốc TPHCM - Long Thành thông qua đường Nguyễn Duy Trinh và đường Nguyễn Thị Định (qua cảng Cát Lái).

Dù được đánh giá cao nhưng thời gian qua hoạt động của cảng này gặp không ít khó khăn, do hệ thống hạ tầng kết nối chưa đồng bộ. Đặc biệt, đường Nguyễn Duy Trinh - tuyến đường chính dẫn vào cảng - hiện chỉ rộng khoảng 7m với 2 làn xe lưu thông. Vào giờ cao điểm, trên con đường này thường xuyên ùn tắc nghiêm trọng, ảnh hưởng dây chuyền đến phương tiện lưu thông trên đường Vành đai 2 ra vào cảng Cát Lái, xa lộ Hà Nội phía quận 2 và đường Võ Chí Công, qua cầu Phú Mỹ về quận 7. Đơn vị chủ quản cảng Phú Hữu từng kiến nghị TP khẩn trương khép kín đường Vành đai 2, hỗ trợ cảng xây dựng tuyến đường từ cầu Bà Cua đến đường vào cảng Phú Hữu và mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh để hàng hóa dễ dàng thông qua cảng Phú Hữu, chia tải cho cảng Cát Lái.

Chuyên gia giao thông - TS Phạm Sanh cho rằng, cảng không hoạt động là một sự lãng phí về đầu tư xây dựng công trình và đầu tư không đồng bộ giữa xây dựng cảng với hệ thống đường trong khu vực. 

Mỏi mòn chờ mở đường

Theo Sở GTVT, việc đầu tư nâng cấp mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh hết sức cần thiết, có tính cấp bách, bởi hiện hữu mặt đường nhỏ hẹp, thời gian cấm tải dài, đi qua khu vực dân cư đông đúc nên thường xảy ra tai nạn giao thông. Theo báo cáo của ngành công an, trên tuyến đường này, trung bình xảy ra 7 - 8 vụ tai nạn giao thông chết người/năm. Nằm trong tổng thể kết nối giao thông khu vực cảng Cát Lái, việc đầu tư nâng cấp mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh sẽ góp phần kéo giảm ùn tắc và tai nạn giao thông khu vực; kết nối thông suốt cụm cảng - khu công nghiệp Phú Hữu với các trục đường chính như Vành đai 2, cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây. 

Trước đây, một doanh nghiệp đã được TPHCM đồng ý việc làm chủ đầu tư dự án mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh, đoạn từ vòng xoay Vành đai 2 đến đường 990, doanh nghiệp này sẽ cho TP mượn 300 tỷ đồng không lãi suất trong 3 năm để làm dự án, nhưng đề nghị riêng phần bồi thường giải phóng mặt bằng sẽ do TP thực hiện. Hiện tất cả các dự án BT (xây dựng - chuyển giao) trên địa bàn TPHCM đang bị tạm ngưng thực hiện, tuy nhiên dự án mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh đã được TP xem xét cho làm thí điểm quy trình mới, thực hiện dự án theo hình thức BT để sau đó áp dụng đại trà đối với các dự án khác. 

Giám đốc Sở GTVT TPHCM Bùi Xuân Cường cho biết, sở đã báo cáo UBND TP về thực hiện thí điểm quy trình triển khai đầu tư dự án BT trong lĩnh vực giao thông vận tải trên địa bàn. Kinh phí đầu tư dự án hơn 700 tỷ đồng, theo hình thức BT, trong đó chi phí bồi thường, giải tỏa mặt bằng hơn 500 tỷ đồng. TPHCM sẽ xem xét, giao các khu đất để nhà đầu tư thực hiện và khai thác dự án khác để hoàn vốn. Dự kiến sẽ triển khai dự án trong năm 2018-2019.

Tin cùng chuyên mục