Đường phân cực đã đậm nét

Sau phiên họp của 7 nhà lãnh đạo 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) tại La Hay, Hà Lan, bên lề Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân thế giới lần thứ ba, một quyết định được nhóm này đưa ra không gây bất ngờ: đó là việc loại Nga ra khỏi nhóm nước G8 và hủy bỏ cuộc họp thượng đỉnh G8 dự kiến diễn ra tại Sochi, Nga vào tháng 6 tới. Thay vào đó, G7 sẽ họp thượng đỉnh tại Brussels (Bỉ) vào đầu tháng 6.

Quyết định nói trên thực sự không gây bất ngờ với dư luận thế giới vì G7 đã cảnh báo điều này từ ngay khi Nga đưa quân vào Crimea. Có chăng đây chỉ là một quyết định chính thức. Điều đáng nói là nó không gây khó chịu cho chính đối tượng bị khai trừ.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tỏ ra bình thản khi phát biểu với các phóng viên rằng: “Nếu các đối tác phương Tây tin rằng công thức G8 không còn phù hợp thì chúng tôi cũng chẳng muốn níu kéo làm gì. Chúng tôi không tin rằng sẽ là vấn đề lớn nếu không có G8”. Ngoại trưởng Nga còn thêm rằng G8 là một “câu lạc bộ không chính thức và chẳng có nước nào có thể cấp thẻ hay loại bỏ tư cách thành viên của nước khác”.

Ngoại trưởng Nga cho rằng những tổ chức chính thức mới có thể xem xét nhiều vấn đề quốc tế, bao gồm cả HĐBA LHQ, nhóm bộ tứ Trung Đông (LHQ, Nga, EU và Mỹ) và nhóm P5+1 (5 thành viên thường trực HĐBA LHQ + Đức) chuyên giải quyết vấn đề hạt nhân Iran.

Cũng bên lề Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân, theo Russia Today, Australia cho biết sẽ không mời Tổng thống Nga Vladimir Putin tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng 11 tại Brisbane. Ngoại trưởng Nga Lavrov cho rằng G20 không phải do Australia thành lập mà là được tất cả các nước đồng thuận tạo nên vì vậy Australia không có tư cách để phán quyết về sự tham dự của Nga.

Quan điểm này cũng đã được lãnh đạo các nước thuộc nhóm BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) đưa ra trong tuyên bố sau cuộc họp bên lề Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân.

Như vậy, bước đi sắp tới của Nga là gì? Tờ Financial Times dẫn lời chuyên gia chính sách đối ngoại ở Mátxơva, ông Fyodor Lukyanov, cho rằng Nga sẽ không rút khỏi các cuộc đàm phán về hạt nhân của Iran nhưng có thể làm yếu đi vai trò của phương Tây trong các cuộc đàm phán này và không loại trừ Nga sẽ bán cho Iran dàn tên lửa phòng thủ tầm xa S-300 mà Nga đã ngưng lại do sức ép của Mỹ vào năm 2010.

Nhà phân tích Cliff Kupchan thuộc nhóm Eurosia đồng quan điểm này khi xem đây là “lá bài của Nga”. “S-300 có thể làm thay đổi cuộc chơi, nó sẽ giảm khả năng tấn công của Israel vào Iran”, ông nói. Ngoài ra, Nga cũng có thể bật đèn xanh cho các ngân hàng làm ăn với Iran bất chấp lệnh cấm vận. Tuy nhiên, cũng theo các nhà phân tích, Iran đang đứng trước sự lựa chọn giữa Nga và phương Tây khi mà thỏa thuận hạt nhân tạm thời với nhóm P5+1 vẫn đang phát huy hiệu quả. Họ khó có thể từ bỏ mọi tiến bộ để trở lại vạch xuất phát.

Như vậy, sau 16 năm tồn tại, G8 giờ đây đã trở lại hình thái ban đầu là G7. Nhưng công bằng mà nói G7 không thể quyết định các vấn đề quốc tế. Vấn đề được các nhà phân tích quan tâm sắp tới là ở các diễn đàn chính thức, tiếng nói của Nga vẫn còn có tầm ảnh hưởng quan trọng và mang yếu tố quyết định như tư cách thành viên thường trực của HĐBA LHQ. Khi đó, những vấn đề lớn hơn của thế giới cần giải quyết đồng thuận và nhanh chóng sẽ có nguy cơ gặp nhiều khó khăn vì sự phân cực nay đã lộ rõ.

THỤY VŨ

Tin cùng chuyên mục