Đường sách TPHCM - Không gian ký ức, hiện tại và tương lai

Vừa qua, Sở TT-TT TPHCM và Hội Xuất bản Việt Nam tại TPHCM đã giới thiệu những phác họa mới nhất về Đường sách TP. Qua những phác họa này, đường sách hiện lên như một không gian văn hóa mở cho những người yêu sách và góp phần tạo nên điểm nhấn văn hóa độc đáo của TPHCM.
Đường sách TPHCM - Không gian ký ức, hiện tại và tương lai

Vừa qua, Sở TT-TT TPHCM và Hội Xuất bản Việt Nam tại TPHCM đã giới thiệu những phác họa mới nhất về Đường sách TP. Qua những phác họa này, đường sách hiện lên như một không gian văn hóa mở cho những người yêu sách và góp phần tạo nên điểm nhấn văn hóa độc đáo của TPHCM.

Vì sách và cho sách

Đường sách TPHCM dự kiến sẽ được đặt tại trục đường Nguyễn Văn Bình, phường Bến Nghé, quận 1 và vì thế có ý kiến cho rằng nên đặt tên con đường sách đầu tiên của TP là “Đường sách Nguyễn Văn Bình”. Việc đặt tên này để dễ phân biệt trong trường hợp TP có nhu cầu mở thêm nhiều đường sách khác. Cho đến nay, có thể nói đường Nguyễn Văn Bình được coi là lý tưởng nhất để làm đường sách với các ưu điểm như không có nhà dân, nằm ở khu vực trung tâm TP, có hệ thống cây xanh bao phủ…

Dù khá mới lạ nhưng trong đợt thử nghiệm nhân Ngày sách Việt Nam vừa qua, đường sách Nguyễn Văn Bình đã thu hút nhiều bạn đọc

Đường Nguyễn Văn Bình dài khoảng 140m, rộng 20m với vỉa hè mỗi bên 6m và lòng đường 8m. Theo thiết kế mới nhất, đường sách sẽ được chia thành hai phần; trong đó, phần vỉa hè sau lưng UBND quận 1 được thiết kế đặt các gian hàng sách, phần đối diện dùng làm không gian cho cà phê sách, khu đọc sách, giao lưu văn hóa về sách… Khâu thiết kế các gian hàng cũng đã được giới thiệu, theo đó có 2 mẫu gian hàng với diện tích 20m² và 16m². Các gian hàng sẽ được làm bằng khung thép lắp ráp để thuận lợi điều chỉnh sau này; các phần nền, tường dùng loại bê tông đúc sẵn, nhẹ và chắc chắn. Các mặt còn lại sẽ được lắp kính hoặc để trống (tùy đơn vị sở hữu) để bạn đọc có thể thấy sách ngay từ bên ngoài. Mỗi gian còn có kho sách nhỏ phía trên để cất sách. Toàn bộ phía ngoài hệ thống gian hàng được thiết kế theo một chuẩn nhất định, dự kiến lấy tông màu gạch của Nhà thờ Đức Bà để tạo sự đồng nhất. Các biển hiệu, băng rôn, phướn… đều được quy định cụ thể về kích thước, vị trí để tránh tình trạng lộn xộn. Phần bên trong, tùy ý mỗi đơn vị nhưng khuyến khích việc trưng bày tạo ấn tượng nhất là dạng “windows display” (trưng bày ấn tượng với khách qua cửa kính gian hàng).

Là một phần quan trọng của đường sách, hai khu cà phê đối diện cũng được thiết kế theo hướng mở dành cho việc đọc sách. Du khách có thể mua, mượn sách từ các gian hàng rồi sang phía đối điện ngồi đọc. Để phục vụ bạn đọc, hệ thống chiếu sáng cũng sẽ được thiết kế lại để đáp ứng yêu cầu, nhất là tránh hại mắt khi đọc lâu. Cà phê sách cũng sẽ là nơi diễn ra những sự kiện về sách như đấu giá sách, tọa đàm, hội thảo về sách, giới thiệu sách mới, giao lưu tác giả tác phẩm…

Ngoài ra, ở đầu đường sách phía giao với Công xã Paris sẽ đặt các kiốt sách, báo phục vụ người dân có nhu cầu nhưng bận rộn, có thể ghé ngang qua mua sách, báo mình cần. Cũng các kiốt này còn cung cấp cho khách du lịch các tài liệu quảng bá du lịch Việt cần thiết.

Các trở ngại cần khắc phục

Một trong những nghi ngại lớn nhất về việc xây dựng đường sách tại đường Nguyễn Văn Bình là tuy đường vắng nhưng khu vực xung quanh lại rất đông người, nhất vào những ngày lễ. Chính vì thế, các vấn đề như gửi xe, vệ sinh, an ninh, phòng cháy… đều phải được xem xét đến. Hiện nay, nhiều đơn vị như Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Hội Kiến trúc sư TP, Cảnh sát PCCC TP, Công an TP cũng đã gửi ý kiến đóng góp để xây dựng, hoàn thiện đề án đường sách.

Về vấn đề gửi xe, ước tính vào cao điểm đường sách sẽ có khoảng 2.500 xe, ban tổ chức đường sách đã làm việc với các cao ốc xung quanh để tiếp nhận một phần lượng xe trên. Ngoài ra, vào những ngày lễ, buổi tối khách tham quan cũng có thể gửi xe tại khu vực xung quanh Trường Tiểu học Hòa Bình.

Về nhà vệ sinh cho khách và những người làm việc tại đường sách cũng được tính đến. Trước mắt ban tổ chức sẽ phối hợp cùng Bưu điện TP để nâng cấp nhà vệ sinh hiện hữu bên hông bưu điện theo tiêu chuẩn hiện đại. Bên cạnh đó còn nghiên cứu việc xã hội hóa xây dựng hệ thống nhà vệ sinh có thu phí cho cả khu vực Công trường Paris, bưu điện và đường sách.

Đường sách còn được xem là một nét văn hóa, phản ảnh nét văn hóa đọc của địa phương như khu phố sách Kando Jimbocho ở Tokyo (Nhật Bản), đường sách dọc sông Seine ở Paris (Pháp), phố sách Shaoxing ở Thượng Hải (Trung Quốc), phố sách Bosudong (Hàn Quốc)...

Tại TPHCM, đường sách là một nét văn hóa của người dân TP, là những ký ức của rất nhiều người dân TP cũng như từ mọi miền đã từng đến, ghé qua TPHCM. Tuy nhiên, do biến đổi của nhu cầu đọc, mua sách cũng như các lý do chủ quan khác nhau mà các đường sách kiểu cũ đã không đáp ứng được nhu cầu và dần mất đi. Nhu cầu xây dựng những đường sách mới, đáp ứng được những nhu cầu mới của người dân đã trở thành một hiện thức cấp thiết, góp phần vào việc khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng.

TƯỜNG VY

Tin cùng chuyên mục