Đường về đã bớt xa...

Đường về đã bớt xa...

Cách đây một năm, ai muốn về thăm tỉnh mới Hậu Giang đều thấy “chua” khi đi qua Quốc lộ 61 từ Cần Thơ về thị xã Vị Thanh. Vì thế cũng không khó hiểu khi từ Cần Thơ về thị xã Vị Thanh chỉ có 60km, nhưng khách thập phương cứ ngắm mũi Cà Mau cách Cần Thơ trên 200km theo Quốc lộ 1A mà thẳng tiến.

  • Sức dân nối những tuyến đường

Đường về đã bớt xa... ảnh 1

Nhiều tuyến đường nông thôn ở Hậu Giang đã được trải nhựa.

Không chỉ con lộ “Sáu Mươi Mốt” làm nản lòng người, mà theo lời ông Huỳnh Phong Tranh, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang thì “vào thời điểm thành lập tỉnh Hậu Giang (1-1-2004), nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh bằng với tỉnh Cần Thơ... 10 năm trước”!

Xuất phát điểm thấp như vậy đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hậu Giang phải nỗ lực vượt bậc trên cơ sở định hướng “đi tắt, đón đầu”, rút ngắn thời gian tăng tốc. Gần như mất một năm, Hậu Giang mới ổn định tổ chức, xây dựng những trụ sở tạm để làm việc. Năm thứ 2 (năm 2005), Hậu Giang quyết định chọn giao thông làm mũi đột phá để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Qui hoạch GT-VT đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 được đặt ưu tiên “trên bàn nghị sự” để làm đòn bẩy phát triển kinh tế. Cũng từ đây, những cung đường nối tiếp những cung đường. Bắt đầu từ tỉnh lộ 931 nối Long Mỹ (Hậu Giang) với Ngã Năm (Sóc Trăng). Sau đó là Quốc lộ 61 được nâng cấp hoàn chỉnh. Và dự kiến cầu Cái Tư được hợp long trong năm 2006 sẽ nối liền đôi bờ giữa Hậu Giang và Kiên Giang.

Dù mới thành lập, kinh phí còn hạn hẹp, song Hậu Giang đã không e ngại chi ngân sách điạ phương hơn 300 tỷ đồng (2004-2006) để đầu tư vào giao thông theo hướng: mở đường tạo quỹ đất. Hậu Giang đã tập trung nâng cấp các tuyến đường nội thị ở thị xã Vị Thanh và một số huyện lỵ để đẩy nhanh tốc độ phát triển dân cư theo hướng đô thị hóa.

Cùng thời gian này, mảng giao thông nông thôn gắn liền với thủy lợi được xác định là giải pháp thiết thực để phát triển nông thôn và làm đổi mới bộ mặt của nông thôn Hậu Giang. Hơn 142 tỷ đồng đã được huy động để làm 270.000m2 đường nhựa, đường đá phối, xi măng. Nhờ vậy, đến nay toàn tỉnh đã có 163 ấp, khu vực có đường cho xe 2 bánh đi lại trong 2 mùa mưa - nắng. Nhờ thực hiện tốt phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” nên tỉnh đã huy động được nhân dân đóng góp ngày công, tiền của trên 70% kinh phí làm đường.

  • Những tín hiệu vui

Người dân Hậu Giang thường ví von chuyện làm đường bằng câu nói rất cụ thể “tiểu lộ, tiểu phát; trung lộ, trung phát; đại lộ, đại phát”. Điều này hoàn toàn đúng. Trên những tuyến đường tỉnh, đường xã vừa láng nhựa, xe cộ lưu thông thông thoáng, nhịp sống mua bán ở các chợ quê, chợ huyện tấp nập hẳn lên.

Giám đốc Sở GT - VT Hậu Giang Nguyễn Liên Khoa nhận định: Giao thông phát triển đã tạo đà tăng tốc cho thương mại - dịch vụ. Đây là cơ hội để Hậu Giang bắt nhịp phát triển với các tỉnh lân cận trong vùng. Điều này hoàn toàn có cơ sở trong một tương lai gần. Năm 2006, cùng với giáo dục, giao thông tiếp tục là mảng được tỉnh tập trung đầu tư.

Hậu Giang sẽ có 6 quốc lộ? Đó là lời khẳng định của ông Nguyễn Liên Khoa, Giám đốc Sở GT - VT Hậu Giang. Hiện tại, Hậu Giang đã có 2 quốc lộ đi qua điạ bàn (QL 1A với 27km, Quốc lộ 61 với 52km). Các trục đường như Quản lộ Phụng Hiệp - Cà Mau, đường Nam Sông Hậu từ Cần Thơ đi qua Hậu Giang - Sóc Trăng và đến Bạc Liêu (đang thi công)...

Đáng chú ý là tuyến đường nối thị xã Vị Thanh (Hậu Giang) với TP Cần Thơ (gọi tắt là Quốc lộ 61B). Đường xây dựng song song với kênh xáng Xà No (cách kênh xánh Xà No khoảng 1,5km) đến chân cầu Cần Thơ (phía bờ Nam) hiện nay đang được hoàn chỉnh dự án. Chính phủ đã có văn bản cho phép đầu tư tuyến đường này. Dự kiến trong tương lai đây là tuyến đường cao tốc.

Giai đoạn 1, có 2 luồng xe, giai đoạn 2 xây dải phân cách và 4 luồng xe. Tổng đầu tư cho tuyến đường này khoảng 2.306 tỷ đồng, từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Tuyến đường này sẽ rút ngắn khoảng 15km so với Quốc lộ 61. Chuyện Hậu Giang có 6 quốc lộ không còn xa. Cộng với 10 tuyến đường tỉnh sẽ nối mạng giao thông Hậu Giang với U Minh, Hồng Dân (Bạc Liêu), Ngã Năm (Sóc Trăng), Gò Quao (Kiên Giang), Cần Thơ... bằng nhiều trục, sẽ tạo thế đứng mới cho Hậu Giang ở vùng Tây sông Hậu.

Quốc lộ 61 giờ đã phẳng lì, những vườn cây xanh tươi xen lẫn những ngôi nhà mới bên đường, chút gió quê như làm mát lòng người phương xa khi về Hậu Giang. Câu nói: “Hậu Giang dù là vùng sâu - vùng xa, nhưng sẽ không xa, không cùng!” của ông Nguyễn Liên Khoa, Giám đốc Sở GT - VT Hậu Giang không phải không có lý!

CAO HOÀNG PHONG