Đường xuống cấp, dân chịu ngập

Sống chung với... ngập
Đường xuống cấp, dân chịu ngập

Trong những năm qua, TPHCM đã có nhiều nỗ lực đầu tư nâng cấp, mở rộng hàng loạt tuyến đường thông thoáng hẳn so với trước đây. Hệ thống thoát nước cũng ngày càng hoàn thiện, giúp người dân ở nhiều khu vực không còn bị ngập. Tuy nhiên, hiện nay một số tuyến đường đang xuống cấp và vẫn chưa có hệ thống thoát nước. Vì thế, mỗi khi mưa lớn hay triều cường lại bị ngập nặng.

Đường An Dương Vương (quận Bình Tân) nắng bụi, mưa ngập. Ảnh: Quốc Hùng

Đường An Dương Vương (quận Bình Tân) nắng bụi, mưa ngập. Ảnh: Quốc Hùng

Sống chung với... ngập

Đường An Dương Vương đoạn từ cầu Mỹ Thuận đến đoạn tiếp giáp đường Võ Văn Kiệt thuộc ranh giới giữa quận Bình Tân và quận 8 là tuyến đường chính với hàng trăm hộ dân đang sinh sống. Tại đây, khi trời nắng thì bụi nhưng đến đợt triều cường hay mưa lớn, ngay lập tức đường biến thành… sông.

Anh Bùi Minh Tiến có nhà trên đường An Dương Vương, đoạn thuộc phường An Lạc quận Bình Tân, bức xúc cho biết: “Đường không có hệ thống thoát nước nên sau mỗi cơn mưa là ngập lênh láng và người dân phải đẩy xe trong dòng nước đen ngòm. Tội nhất là các cháu học sinh được ba mẹ chở đi học, con ngồi trên xe, ba mẹ đẩy xe lội nước, nước bắn tung tóe vào người. Nước ngập, người lưu thông không thấy ổ gà, ổ voi chạy vào bị ngã xe, ướt quần áo, tập vở của con rơi xuống nước, đành phải nghỉ học ngày đó”.

Còn ông Lê Thành Nhân bày tỏ: “Từ khi đường Võ Văn Kiệt được đưa vào sử dụng, tuyến đường An Dương Vương bắt đầu xuống cấp trầm trọng. Người dân mỗi khi phản ánh với các cơ quan chức năng đều nhận được câu trả lời lặp đi, lặp lại là không có vốn để xây dựng hệ thống thoát nước hay nâng cấp đường”. Thực tế là do không có hệ thống thoát nước nên dù có nâng nền đường cũng không thoát được cảnh nước tràn vào nhà và người dân lại thức trắng đêm để tát nước, lau nhà. Tình trạng ngập nước liên tục khiến mặt đường xuống cấp nghiêm trọng, gây mất an toàn giao thông.

Theo ghi nhận của chúng tôi, mặt đường Đỗ Xuân Hợp, quận 9 cũng đầy những hố, lồi lõm mấp mô, mưa nước ngập sâu khiến người dân đi lại khó khăn. Người dân cho biết đã kiến nghị với chính quyền địa phương nhiều lần nhưng mấy năm nay không có chuyển biến gì. Đường Trần Mai Ninh, phường 12, quận Tân Bình đã xuống cấp trầm trọng, hư hỏng nhiều năm nay, việc đi lại, sinh hoạt của người dân địa phương rất khó khăn nhưng 4 năm qua vẫn chưa được sửa chữa, nâng cấp. Đã vậy, các hộ dân 2 bên đường còn lấn chiếm để buôn bán khiến lòng đường không còn lối đi. Đây là con đường nối từ đường Trường Chinh đến đường Bàu Cát, tập trung rất đông dân cư, trường học, chợ... Xe cộ lưu thông dày đặc, giao thông thường xuyên bị ùn tắc.

Không chỉ xuống cấp, nhiều tuyến đường ở TP hiện quá tải trầm trọng. Đơn cử, khu vực ngã năm Nguyễn Thái Sơn (giáp ranh giữa quận Gò Vấp và Phú Nhuận), cách đó không xa là khu vực ngã sáu Gò Vấp và những tuyến đường khác như Phan Văn Trị, Nguyễn Văn Nghi, Lê Quang Định, Phạm Ngũ Lão... tình trạng quá tải dẫn đến việc thường xuyên kẹt xe vào những giờ cao điểm. Mỗi lần có xe buýt chạy qua, hầu hết các loại xe khác phải dạt ra hai bên đường để tránh vì mặt đường quá hẹp. 

Mỏi mòn chờ dự án

Bí thư Đảng ủy phường An Lạc Nguyễn Văn Hoàng cho biết: “Đường hư, nước ngập dân bức xúc một, chúng tôi bức xúc mười vì ngay tại địa phương mà không làm gì được vì tuyến này do Sở GTVT quản lý. Địa phương kiến nghị không biết bao nhiêu lần, còn nâng cấp sửa chữa như thế nào là chuyện của chủ đầu tư. Với tình trạng như hiện nay, đường lại không có hệ thống thoát nước nên cứ mưa hay triều cường là ngập. Trong khi đó, cao độ mặt đường thấp hơn so với nền nhà dân. Trước thực trạng này, quận Bình Tân nhiều lần kiến nghị Sở GTVT sửa chữa nâng cấp tuyến đường này”.

Ông Nguyễn Hữu Vĩnh, Phó phòng Quản lý đô thị quận Bình Tân cho rằng, trong thời gian chờ triển khai toàn dự án đầu tư trục đường An Dương Vương - Phan Anh - Bình Long - hương lộ 3 có tổng mức đầu tư quá lớn, khoảng 6.000 tỷ đồng, TP nên đầu tư hệ thống thoát nước theo hiện trạng của đường. Với số tiền quá lớn như vậy không biết dự án chờ đến khi nào mới được thực hiện.

Về tình trạng xuống cấp của đường Trần Mai Ninh, ông Đinh Khắc Huy, Phó chủ tịch UBND quận Tân Bình cho biết, quận cũng rất lo lắng và hiểu được nỗi khổ của người dân. Tuy nhiên, do vướng Nghị quyết 11 của Chính phủ về cắt giảm đầu tư công, không cho phép quận dùng tiền ngân sách đầu tư những công trình không mang tính trọng điểm, cấp bách. Đường Trần Mai Ninh dù xuống cấp nặng nhưng không thuộc danh mục công trình trọng điểm của quận. Hiện quận đang lên kế hoạch mở rộng con đường này theo phương án nhà nước và nhân dân cùng làm. Quận thiếu tiền, tuy nhiên theo nhiều người dân sống ở đây, nếu chưa thể mở rộng đường thì địa phương cũng nên duy tu mặt đường, giải tỏa các trường hợp lấn chiếm để con đường thông thoáng hơn.

Hiện nay TPHCM có nhiều con đường hư hỏng với các ổ gà, ổ voi, mất an toàn giao thông, đặc biệt là không có hệ thống thoát nước. Nhiều ý kiến cho rằng cần ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước trên những tuyến đường đang ngập nặng, có thể xây dựng hệ thống thoát nước tạm nhằm tiết kiệm chi phí.

Lãnh đạo một số địa phương cho rằng, từ năm 2011 đến nay, thực hiện Nghị quyết 11 về thắt chặt đầu tư công, vốn ngân sách bị hạn chế nên không bố trí kịp nhu cầu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Bên cạnh đó, việc huy động vốn ODA và các nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư phát triển hạ tầng cũng đang gặp trở ngại. Do đó, nhiều dự án xây dựng, sửa chữa đường xá, hệ thống thoát nước vẫn phải tiếp tục… chờ.

QUỐC HÙNG

Tin cùng chuyên mục