Thời gian qua, TPHCM đã đầu tư mở rộng hàng loạt tuyến đường. Trong đó, nhiều con đường vốn lầy lội, nhỏ hẹp nay đã trở nên khang trang, thoáng đẹp. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều con đường xuống cấp trầm trọng đang chờ được nâng cấp, sửa chữa.
Hư hỏng, chật chội
Đường An Dương Vương đoạn từ cầu Mỹ Thuận đến vị trí tiếp giáp đường Võ Văn Kiệt thuộc ranh giới giữa quận Bình Tân và quận 8 là tuyến đường chính của hàng trăm hộ dân sống trong khu vực nhưng họ phải sống trong cảnh mưa ngập, mặt đường lồi lõm tạo thành những gợn sóng, nhiều nơi xuống cấp trầm trọng. Những năm qua, người dân hai bên đường này phải sống chung với cảnh mưa nước ngập vào nhà, bùn đất vào theo. Chị Lê Thanh Thúy ngụ đường An Dương Vương, phường An Lạc, quận Bình Tân, bức xúc cho biết: “Mặc dù, hàng năm TP đều có sửa chữa nhưng chỉ chắp vá những chỗ nước ngập sâu. Khi đường Võ Văn Kiệt đưa vào sử dụng, tuyến đường An Dương Vương bắt đầu xuống cấp trầm trọng. Do hàng ngày có hàng trăm lượt xe tải lưu thông nên phá nát nhiều đoạn. Gặp lúc triều cường hay mưa lớn, xe chạy, nước bùn văng vào nhà”.
Theo ghi nhận của chúng tôi, mặt đường Đào Trí (quận 7) đầy những hố, lồi lõm mấp mô, nhất là đoạn từ đường Phú Thuận đến đường Gò Ô Môi, nước đọng nhiều khiến người dân đi lại khó khăn. Người dân cho biết đã kiến nghị với chính quyền địa phương nhiều lần nhưng mấy năm nay không có biến chuyển gì.
Các tuyến đường có tình trạng tương tự rất nhiều, tiêu biểu như đường Trương Đình Hội, Tạ Quang Bửu (quận 8); Đỗ Xuân Hợp (quận 9); Ngô Tất Tố (quận Bình Thạnh); Nguyễn Văn Bảo (quận Gò Vấp); Thế Lữ (huyện Bình Chánh)…Không chỉ xuống cấp, nhiều tuyến đường ở TP hiện quá tải trầm trọng. Đơn cử, khu vực ngã năm Nguyễn Thái Sơn (giáp 3 quận: Gò Vấp, Tân Bình và Phú Nhuận), cách đó không xa khu vực ngã sáu Gò Vấp và những tuyến đường khác như Phan Văn Trị, Nguyễn Văn Nghi, Lê Quang Định,... tình trạng quá tải dẫn đến khu vực trên thường xuyên kẹt xe. Đường Âu Cơ, Cộng Hòa (quận Tân Bình) cũng đang bị quá tải, gây ra tình trạng ùn tắc giao thông. Mặt đường chỉ rộng hơn 7m nhưng lượng xe cộ qua lại hàng ngày rất đông nên thường xảy ra kẹt xe kéo dài, tập trung ở đoạn qua phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, giao lộ giữa đường Tân Kỳ Tân Quý và đường Cầu Xéo. Mỗi lần có xe buýt chạy qua, hầu hết các loại xe khác phải dạt ra hai bên đường để tránh vì mặt đường quá hẹp.
Điểm ùn tắc giao thông thường xuyên trên tuyến đường này là từ đoạn giao với đường Lê Trọng Tấn đến đường Cộng Hòa. Vào giờ cao điểm, xe máy phải mất vài chục phút mới đi qua được. Còn đường Lũy Bán Bích, tuyến đường huyết mạch nối quận Tân Phú và quận 6, dù đã được giải phóng mặt bằng, hệ thống thoát nước đã làm xong gần 2 năm qua nhưng đến nay đường này vẫn chưa được mở rộng.
Tìm vốn làm hạ tầng
Để tiếp tục hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ lẫn đường thủy, trong năm 2013, riêng ngành giao thông có nhu cầu vốn lên đến 11.736 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư xây dựng cơ bản giao cho Sở GTVT là 9.561 tỷ đồng; vốn sự nghiệp duy tu, kiến thiết và kinh phí khác là 3.625 tỷ đồng và cuối cùng là vốn ODA với 1.550 tỷ đồng. Ngoài ra, theo dự kiến, kế hoạch vốn dành cho các công trình đầu tư theo các hình thức BT, BOT trong năm 2013 là 4.444 tỷ đồng. Với nguồn vốn này, ngành giao thông TP sẽ tiến hành thi công hoàn thành 40 công trình giao thông; hoàn chỉnh các thủ tục để khởi công và duyệt dự án của 56 công trình các loại trong năm 2013.
Một số công trình nổi bật dự kiến hoàn thành trong năm 2013 gồm: dự án nâng cấp, mở rộng đường Phạm Văn Bạch (quận Tân Bình, Gò Vấp), cải tạo nâng cấp đường vành đai phía Đông (từ đường dẫn vào cầu Phú Mỹ đến liên tỉnh lộ 25B), cầu Rạch Tra (huyện Củ Chi, Hóc Môn). Ngoài ra, TP còn mở rộng tuyến quốc lộ 1 (đoạn từ nút giao thông Tân Kiên đến ranh giới Long An), tuyến đường nối từ nút giao thông cầu Bà Chiêm đến Khu công nghiệp Hiệp Phước (giai đoạn 2 - thuộc huyện Nhà Bè), nâng cấp đường Huỳnh Tấn Phát (đoạn từ Trần Xuân Soạn đến cầu Phú Xuân - thuộc quận 7)…
Đặc biệt, trong năm 2013, Sở GTVT TP sẽ hoàn tất công tác chuẩn bị đầu tư dự án xây dựng Trung tâm Điều khiển giao thông TP (chủ đầu tư là Khu Quản lý giao thông đô thị số 1), nâng cấp mở rộng đường Trường Chinh (từ Cộng Hòa đến Âu Cơ - quận Tân Bình, Tân Phú), sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh), mở rộng đường Tân Kỳ Tân Quý (từ Lê Trọng Tấn đến Cộng Hòa), xây dựng cầu Rạch Chiếc (2) trên đường vành đai phía Đông… Kế hoạch là thế, nhưng thời gian gần hết nửa năm mà những công trình này triển khai rất chậm chạp, thậm chí nhiều dự án dù đã nằm trong kế hoạch của những năm trước vẫn chưa khởi động.
Giải thích về kế hoạch cấp vốn cho những công trình này, đại diện Sở GTVT TPHCM cho biết: “Kế hoạch vốn năm 2013, TP giao chậm và thiếu nên ảnh hưởng đến tiến độ thi công các công trình. Việc chậm triển khai các dự án sẽ làm cho khó khăn, giá vật liệu và giá nhân công tăng khiến cho kinh phí đầu tư tăng theo. Chính vì thế, nếu chỉ trông chờ vào kinh phí do TP cấp thì không biết đến bao giờ những tuyến đường trên mới được nâng cấp, sửa chữa. Vì vậy, các ngành chức năng và chính quyền địa phương cần năng động, tìm nguồn kinh phí đầu tư để nâng cấp những tuyến đường đang mỏi mòn chờ đợi.
QUỐC HÙNG