Duy trì nguồn nguyên liệu cho doanh nghiệp thực phẩm

Hơn 60% doanh nghiệp (DN) sản xuất lương thực thực phẩm đóng chân tại TPHCM. Thế nhưng, có đến 90% nguyên liệu sản xuất của DN đến từ các tỉnh ngoài thành phố. Dịch bệnh kéo dài đã khiến nông sản vào vụ thu hoạch nhưng không thu mua được, trong khi DN sản xuất thiếu nguyên liệu sản xuất. Nguy cơ đứt gãy thị trường đã hiện hữu.
Hệ thống Co.opmart gia tăng thu mua hàng nông sản, hỗ trợ tiêu thụ cho nông dân
Hệ thống Co.opmart gia tăng thu mua hàng nông sản, hỗ trợ tiêu thụ cho nông dân

Doanh nghiệp lo giảm công suất

Hiện đã có nhiều DN chỉ hoạt động khoảng 50% công suất. Điều này xuất phát từ việc số công nhân giảm 50% vì phải đáp ứng “3 tại chỗ”. Tuy nhiên, nguyên nhân căn cơ hơn vẫn là thiếu nguồn nguyên liệu sản xuất. Ngay khi 19 tỉnh thành phía Nam thực hiện giãn cách xã hội, việc lưu thông hàng hóa trở nên khó khăn hơn. Nhiều chốt kiểm dịch tại các tỉnh không nhất quán quy trình kiểm tra, kiểm soát nên có tình trạng “phép vua thua lệ làng”. Cũng một kết quả kiểm tra Covid-19 có trường hợp tỉnh này chấp nhận nhưng tỉnh khác lại không.

Ông Huỳnh Minh Tú, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, chia sẻ, đã có trường hợp xe vận chuyển nguyên liệu sản xuất của DN TPHCM bị “phong tỏa” tại Long An do chứng nhận kiểm soát dịch bệnh đúng quy định của TPHCM và các ngành liên quan nhưng không phù hợp quy định địa phương. Điều này đã buộc lãnh đạo TP phải can thiệp trực tiếp để tháo gỡ cho các chuyến xe của DN.

Cũng theo ông Huỳnh Minh Tú, đây chỉ là một trong rất nhiều trường hợp mà Sở Công thương TPHCM phải hỗ trợ can thiệp trực tiếp để đảm bảo DN lưu thông hàng hóa ổn định, nhất là với DN sản xuất thiết yếu vốn không thể gián đoạn sản xuất. Nếu tình trạng này kéo dài, không những DN của TPHCM gặp khó mà nông dân, hợp tác xã tại các tỉnh thành cũng gặp nhiều khó khăn.

Thống kê từ cổng thông tin tiếp nhận hỗ trợ DN của Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM cho thấy, rất nhiều nông, thủy hải sản của người dân thuộc các tỉnh lân cận TP đang mùa thu hoạch nhưng giá rớt mạnh vì không có DN thu mua. Ở chiều ngược lại, các DN cũng lo ngại, với việc không thu mua và chế biến được nông, thủy hải sản vào thời điểm này cho nông dân, DN bị gián đoạn sản xuất hiện tại và cả lâu dài. Bởi với tình hình hình hiện nay, nông dân sẽ không tái vụ, kéo theo tình trạng vào quý 4, khi DN thu mua nguyên liệu sản xuất thì sẽ bị thiếu hụt nguồn cung trên thị trường.

Canh tác theo nhu cầu thị trường

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM, cho biết, theo dõi sản xuất của DN từ tháng 4 đến nay cho thấy, các DN chủ lực của ngành lương thực thực phẩm vẫn duy trì, thậm chí còn tăng năng lực sản xuất từ 70%-200% và tập trung ở nhóm thịt gia cầm, gia súc. Riêng các nhóm ngành khác như nhóm mì ăn liền, thủy hải sản chế biến, gia vị… tăng trưởng vẫn duy trì được mức 2 con số. Điều này rất đáng khích lệ.

Đơn cử, trường hợp Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) vừa công bố kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2021. Theo đó, lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, tổng doanh thu hợp nhất của công ty này đã đạt 28.970 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất gần 5.500 tỷ đồng. Đặc biệt, riêng với quý 2-2021, thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, doanh thu thuần hợp nhất của công ty cũng đạt mức cao kỷ lục gần 16.000 tỷ đồng, tăng 19,2% so với quý 1 và tăng 1,4% so với cùng kỳ. Hiện mức lợi nhuận sau thuế hợp nhất quý 2-2021 của Vinamilk đạt 2.862 tỷ đồng. Với kết quả này, công ty cũng đã thăng 6 hạng, vươn lên vị trí 36 trong top 50 công ty sữa lớn nhất thế giới.

Trước đó, Công ty CP Masan MeatLife (MML) cũng lãi ròng quý 2-2021 là 152 tỷ đồng, gấp 8,3 lần so cùng kỳ. Tính chung 6 tháng đầu năm, MML đạt 10.232 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 42% so cùng kỳ, lãi ròng lũy kế 290 tỷ đồng. Trong đó, đáng kể nhất là doanh thu tăng trưởng chủ yếu nhờ mảng thịt tích hợp (thịt heo, thịt gà và thức ăn chăn nuôi)…

Do vậy, TP cần có giải pháp mạnh để đảm bảo duy trì và không đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào cho ngành trong thời gian tới, nhất là khi tình hình dịch Covid 19 đang diễn biến phức tạp và có thể kéo dài. TP cần tính toán và sớm xúc tiến việc hợp tác mạnh mẽ hơn nữa giữa chính quyền TP và các tỉnh có vùng nguyên liệu lớn, hiện đang kiểm soát dịch tốt như Lâm Đồng, Bình Phước, Cà Mau… đi đến thống nhất đưa ra các cam kết chung, cùng triển khai hành động. Trong đó, TPHCM đề xuất nhu cầu thị trường cần, phương án bao tiêu đầu ra và đề nghị các tỉnh cam kết mở rộng quy mô sản xuất, tăng sản lượng vùng nguyên liệu theo thế mạnh từng địa phương.

Đồng thời, TPHCM với vai trò là hạt nhân của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cần đề nghị Chính phủ, Bộ NN-PTNT chỉ đạo xuyên suốt, đồng bộ yêu cầu các tỉnh phải đặt hoạt động sản xuất nông nghiệp là thiết yếu, cần được ưu tiên, tạo mọi điều kiện phát triển trong bối cảnh dịch đang diễn biến phức tạp, không bị đứt gãy nguồn cung trong thời gian tới.

Tin cùng chuyên mục