Duy tu, sửa chữa đường tại TPHCM: Thiếu trước, hụt sau

Thông tư số 10/2010 của Bộ Giao thông Vận tải về quản lý và bảo trì đường bộ quy định: đường bê tông nhựa, 4 năm phải được sửa chữa vừa, 12 năm sửa chữa lớn/lần; đường bê tông xi măng: 8 năm phải sửa chữa vừa, 24 năm phải sửa chữa lớn/lần, đường đá dăm đen trộn nhựa: 3 năm phải sửa chữa vừa, 9 năm phải sửa chữa lớn/lần… Thế nhưng, trên thực tế chẳng có nhiều con đường ở TPHCM được sửa chữa theo đúng quy định này, thậm chí toàn TP còn có tới 91 con đường với tổng chiều dài hơn 110km, từ năm 1975 đến nay chưa được sửa chữa vừa, sửa chữa lớn lần nào.
Duy tu, sửa chữa đường tại TPHCM: Thiếu trước, hụt sau

Thông tư số 10/2010 của Bộ Giao thông Vận tải về quản lý và bảo trì đường bộ quy định: đường bê tông nhựa, 4 năm phải được sửa chữa vừa, 12 năm sửa chữa lớn/lần; đường bê tông xi măng: 8 năm phải sửa chữa vừa, 24 năm phải sửa chữa lớn/lần, đường đá dăm đen trộn nhựa: 3 năm phải sửa chữa vừa, 9 năm phải sửa chữa lớn/lần… Thế nhưng, trên thực tế chẳng có nhiều con đường ở TPHCM được sửa chữa theo đúng quy định này, thậm chí toàn TP còn có tới 91 con đường với tổng chiều dài hơn 110km, từ năm 1975 đến nay chưa được sửa chữa vừa, sửa chữa lớn lần nào.

  • Đường... già

Những năm gần đây, TPHCM đã có thêm hàng chục con đường mới như đại lộ Nguyễn Văn Linh, đường trục Bắc-Nam, đường cửa ngõ Kinh Dương Vương, Nguyễn Hữu Cảnh… Tuy nhiên, đường cũ được hình thành từ hàng chục năm trước vẫn chiếm đa số, hơn 2/3 số đường hiện có. Thực trạng này đã và đang là một thách thức đối với hoạt động giao thông vận tải của TP bởi đường đã cũ, xuống cấp nhưng kinh phí chi cho công tác duy tu bảo dưỡng rất ít so với nhu cầu.

Duy tu, sửa chữa đường tại TPHCM: Thiếu trước, hụt sau ảnh 1

Xa lộ Hà Nội đang chờ được tu sửa. Ảnh: ĐỨC THÀNH

Theo Sở GTVT TPHCM, chỉ tính những năm gần đây, thời điểm mà TP đã có nhiều điều kiện để dành một khoản kinh phí đáng kể cho việc phát triển hệ thống giao thông trong đó có công tác duy tu, sửa chữa đường, khoản tiền dành cho việc bảo trì hệ thống đường bộ cũng rất nhỏ.

Năm 2006, toàn TP có tới 365 con đường tương đương 569km đường cần sửa chữa với tổng kinh phí hơn 3.128 tỷ đồng nhưng thành phố chỉ cân đối được vốn sửa chữa cho… 21 con đường với số tổng số tiền 51 tỷ đồng. Năm 2007, TP cần sửa 359 con đường tương đương 532km với tổng kinh phí 2.753 tỷ đồng nhưng trên thực tế chỉ có 29 con đường được sửa với số tiền 117 tỷ đồng. Năm 2008 có 350 con đường cần sửa tương đương 541km với tổng kinh phí 2.700 tỷ đồng nhưng chỉ có 23 con đường được sửa với số tiền 81 tỷ đồng. Năm 2009 tình trạng cũng tương tự, số đường cần sửa là 341 tương đương 547km với tổng kinh phí hơn 3.000 tỷ đồng nhưng thành phố chỉ cân đối kinh phí được cho 30 con đường, trị giá hơn 99 tỷ đồng. Năm nay, tính toán bước đầu cho thấy, cơ bản cũng không khác các năm trước: 335 con đường cần sửa chữa tương đương khoảng 500km nhưng cũng chỉ có vài chục con đường được bảo trì.

Ông Lê Toàn, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM cho biết, trong bối cảnh luôn luôn “thiếu trước hụt sau”, Sở GTVT, các khu quản lý đô thị và các quận, huyện thường phải rất “gói ghém”, cân nhắc rất kỹ trước khi quyết định chọn các tuyến đường được ưu tiên duy tu, bảo dưỡng. Tuy nhiên, kế hoạch không đáp ứng nhu cầu, vì cứ trễ hẹn một năm duy tu, bảo dưỡng theo quy định, đường lại xuống cấp thêm, nhu cầu sửa chữa năm sau do đó lại càng cấp thiết hơn, tốn kém hơn năm trước. Hiện TP còn tới 91 con đường từ năm 1975 đến nay chưa hề được duy tu, bảo dưỡng một lần nào. TP đã nhìn thấy điều này song chưa tìm ra nguồn kinh phí nào đủ để bảo trì 91 con đường theo quy định.

  • Nặng gánh

Trong khi hệ thống đường giao thông của TP phần lớn đã xuống cấp, hoạt động giao thông lại sôi động hơn bao giờ hết. Theo Ban An toàn Giao thông TPHCM, số lượng các phương tiện giao thông cơ giới tại TP vẫn tăng lên không ngừng, đặc biệt là ô tô. Cách đây 5 năm, trung bình mỗi ngày TPHCM có khoảng 100 ô tô và hơn 1.000 xe gắn máy đăng ký mới, hiện nay đã tăng gấp nhiều lần. Nếu như các năm trước, số lượng các xe tải lớn, xe container chở hàng hóa nặng qua lại TP chỉ vài chục ngàn xe thì hiện nay đã là hàng trăm ngàn xe, đặc biệt trên các tuyến đường xuyên tâm như Võ Thị Sáu, Điện Biên Phủ, Phan Đăng Lưu, Hoàng Văn Thụ… và các đường cửa ngõ như đại lộ Nguyễn Văn Linh, xa lộ Hà Nội, các đường ra vào hệ thống cảng biển lớn như Liên tỉnh lộ 25B… Hầu hết các con đường này chỉ có tải trọng 20 - 30 tấn nhưng phần lớn xe container, xe tải lớn lại chở hàng nặng tới 40 - 50 tấn…

Tình trạng ngập nước, đào đường cũng đã và đang làm cho hệ thống đường già nua của TP thêm… ốm yếu. Theo ông Phan Phùng Sanh, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Xây dựng TPHCM, nước ngập sẽ phá vỡ các kết cấu của đường và làm cho đường hư hỏng nhanh hơn bình thường, đặc biệt là nước triều vì lực của nước triều khi dâng lên hoặc khi rút xuống sẽ tác động đến kết cấu của đường. Tình trạng đào đường cũng có ảnh hưởng tương tự, nhất là trong vài năm gần đây việc đào đường được tiến hành trên diện rộng và liên tục. Công tác tái lập mặt đường ở nhiều nơi, nhiều chỗ không đảm bảo chất lượng cũng làm đường mau xuống cấp và hư hỏng.

Hiện Sở GTVT TPHCM chưa biết giải quyết vấn đề này như thế nào vì liên quan đến rất nhiều vấn đề, từ tài chính cho đến việc điều phối lượng xe lưu thông, tăng cường đội ngũ kiểm tra, kiểm soát, giữ gìn an toàn công trình cầu đường. Có những việc trong chức trách nhiệm vụ của ngành nhưng cũng có những công việc không thuộc chức trách nhiệm vụ. Theo ông Phan Phùng Sanh, với một vấn đề có tính tổng hợp như vậy, TP nên chủ trì, điều phối các sở ngành cùng tham gia giải quyết. Đường xuống cấp, không được duy tu, bảo dưỡng kịp thời tưởng nhỏ nhưng thực ra… không nhỏ, bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sống của người dân, do vậy cần có giải pháp ngay cho tình trạng “thiếu trước, hụt sau” này.

NGUYỄN KHOA

Tin cùng chuyên mục