Ép khán giả xem quảng cáo

Trong nhiều năm qua, tình trạng các kênh truyền hình chỉ chăm chăm việc kinh doanh quảng cáo, thu lợi từ quảng cáo mà quên mất người tiêu dùng – khán giả màn ảnh nhỏ, đã gây ra không ít phản ứng khá quyết liệt. Chuyện khán giả bị ép phải xem quảng cáo vào các giờ vàng; quảng cáo xuất hiện liên tục, xen giữa khoản thời gian trình chiếu các bộ phim hay… đã được báo chí và dư luận lên tiếng phản ánh nhiều nhưng sự biến chuyển vẫn rất ít.

Trên một số kênh truyền hình chiếu phim bộ của các nước Âu, Á, Mỹ… lượng quảng cáo cũng xuất hiện dày đặc, thường xuyên cắt ngang nội dung phim vào những đoạn cao trào. Đáng chê trách hơn, rất nhiều nội dung quảng cáo đã được người tiêu dùng kiểm tra chất lượng sản phảm cho biết là nói quá, mang tính lừa đảo. Như thế, hậu quả cuối cùng vẫn đổ lên người tiêu dùng – khán giả màn ảnh nhỏ.

Quá đáng hơn thế, nhiều khán giả từng đến các rạp chiếu phim lớn cũng cảm thấy sốc, bực bội khi phải bỏ một khoản tiền không nhỏ để mua vé xem phim lại phải tiếp tục chịu đựng cảnh bị ép xem quảng cáo trước giờ chiếu phim. Các quảng cáo này được phát hơn chục phút trên màn ảnh lớn của rạp, khán giả đã vào rạp, không muốn xem cũng không thể từ chối. Hôm rồi cùng một nhóm bạn trẻ đi xem phim ở cụm rạp của Megastar Hùng Vương (Hùng Vương Plaza), chúng tôi chứng kiến rất đông khán giả hướng về màn hình với những hình ảnh quảng cáo tivi, điện thoại, nước sơn, nước giải khát... mà lắc đầu ngao ngán, rồi gồng mình “thưởng thức” hàng loạt quảng cáo. Tất nhiên, không thể phủ nhận khoản lợi nhuận không nhỏ mà công ty kinh doanh rạp nhận được từ các hợp đồng quảng cáo trước giờ chiếu phim...

Không chỉ có các rạp hát tranh thủ, tận dụng tối đa thời gian trước giờ chiếu phim để phát quảng cáo, mà các quán kem, quán cà phê cũng không bỏ qua cơ hội này. Chỉ cần một màn hình để ở nơi mà khách đến hàng quán ai cũng có thể nhìn thấy, thế là chủ kinh doanh cứ vô tư cho phát những hình ảnh quảng cáo mà không cần biết khách đến quán có thái độ khó chịu hay không. Có nơi còn cho phép các nhân viên quảng cáo đến tận bàn của khách xin chút thời gian để giới thiệu sản phẩm, rồi chụp hình lại để về làm báo cáo. Hành động tiếp thị sản phẩm, ép khán giả, thực khách xem quảng cáo đang tồn tại đầy rẫy trong hoạt động kinh doanh, đã và đang làm phiền nhiều người.

Đành rằng quảng cáo là một nhu cầu cần thiết của một xã hội phát triển, là cách để nhà sản xuất giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng nhưng các đơn vị kinh doanh cũng nên hướng đến nhu cầu của khán giả. Quảng cáo phải có mức độ, trong một chừng mực, để không làm phiền, bức bối các thượng đế. Từ chối nhận phát quảng cáo liên tục ở các hàng quán, ở các rạp chiếu phim, còn là cách giúp các đơn vị đang kinh doanh mặt hàng của mình (phim chiếu rạp, hàng quán ăn uống…) giữ khách và khẳng định thương hiệu. Xin đừng ép buộc khách hàng của mình phải gồng mình xem những clip quảng cáo trong sự khó chịu. 

NGỌC THANH

Tin cùng chuyên mục