Ép mua bảo hiểm khi vay vốn là bất hợp lý

Gần đây, nhiều người dân phản ánh khi đi vay vốn ngân hàng thường bị ép mua đủ loại bảo hiểm, thậm chí là các gói bảo hiểm nhân thọ. Nếu không mua thì không được giải ngân nên nhiều người buộc phải mua để nhanh có vốn làm ăn, giải quyết công việc của mình.

Việc ngân hàng ép người vay mua bảo hiểm đã kéo dài từ nhiều năm nay. Cơ quan chức năng cần xác minh, làm rõ việc quy định mua bảo hiểm khi vay tiền như vậy có cơ sở pháp lý hay không, để có câu trả lời cho dư luận. Tuy nhiên, nếu có quy định phải mua bảo hiểm mới giải ngân vốn vay thì đây là điều bất hợp lý. Trước hết, theo quy định, người vay phải có tài sản thế chấp, chỉ trừ một số ít trường hợp vay tín chấp, vay trừ lương hàng tháng nhưng cũng đều phải qua trình tự, thủ tục xem xét, xác minh hết sức chặt chẽ từ phía ngân hàng. Do đó, rủi ro thất thoát vốn nếu không mua bảo hiểm rất thấp. Chỉ những trường hợp bỏ qua thủ tục, giấy tờ dẫn đến vi phạm nguyên tắc vay vốn thì mới xảy ra rủi ro, thất thoát vốn. Ngoài ra, việc phải mua bảo hiểm làm người vay mất một khoản tiền khá lớn, trong khi nhiều trường hợp chỉ vay lại để đáo hạn, đáo nợ; hay trường hợp vay khoản tiền nhỏ nhưng cũng phải mua bảo hiểm. Có trường hợp mua các gói bảo hiểm nhân thọ sau đó người mua bỏ luôn vì... đã mua trong lần vay trước rồi. Bên cạnh đó, nhiều người vay có tài sản thế chấp có giá trị lớn hơn rất nhiều khoản vay và điều kiện đảm bảo trả nợ cũng rất tốt; hay những trường hợp đã vay trước đó và luôn trả nợ đúng hạn, được đánh giá tốt nhưng vẫn bị “gợi ý” mua bảo hiểm! 

Như vậy rõ ràng quy định này chưa hợp lý, bởi phải căn cứ vào tình hình thực tế, điều kiện đảm bảo, tài sản thế chấp của người vay thì mới có thể “gợi ý”, thậm chí bắt buộc mua hay không mua các gói bảo hiểm tương ứng. Thiết nghĩ, cơ quan chức năng có thẩm quyền cần rà soát, chấn chỉnh những bất cập, tồn tại trong việc buộc phải mua bảo hiểm khi đi vay tiền. Điều này không chỉ đảm bảo quyền lợi cho người đi vay mà còn làm cho môi trường tín dụng thông thoáng, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân có thể dễ dàng tiếp cận nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng. Đây cũng là biện pháp hữu hiệu để ngăn ngừa “tín dụng đen” đang hoành hành thời gian qua và xa hơn là tránh tình trạng trục lợi, “giấy phép con” trong hoạt động tín dụng.

PHẠM VĂN CHUNG
Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum

Tin cùng chuyên mục