EP và chính sách thắt lưng buộc bụng

Từ 22 đến 27-5, cử tri 28 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu sẽ đi bầu 751 ghế Nghị viện châu Âu (EP), cuộc bầu cử được xem là lớn thứ nhì thế giới sau cuộc tổng tuyển cử tại Ấn Độ và là cuộc bầu cử xuyên quốc gia lớn nhất thế giới. Hai vấn đề khu vực và quốc tế nóng nhất bao trùm các cuộc tranh luận của các ứng viên là chính sách thắt lưng buộc bụng.

Cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh EU đang trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế kể từ sau cuộc bầu cử lần gần đây nhất vào tháng 6-2009. Vì vậy, theo AFP, tỷ lệ ủng hộ dành cho các đảng phái lớn truyền thống của EU có thể sẽ giảm.

Các thành viên bị khủng hoảng kinh tế như Hy Lạp, Cyprus, Italia, Tây Ban Nha và cả Ireland trở nên nguội lạnh với vai trò lãnh đạo của EU nói chung, trong đó có EP. Tại Hy Lạp, tỷ lệ ủng hộ của người dân với vai trò lãnh đạo của EU giảm từ mức 32% trong năm 2010 xuống còn 19% năm 2013.

Tương tự tỷ lệ này tại Tây Ban Nha giảm hơn một nửa, từ 59% trong năm 2008 xuống còn 27% trong năm 2013. Nhìn chung, tỷ lệ ủng hộ vai trò của EU giảm ở hầu hết các nước thành viên EU. Theo nhà báo Peter S Goodman của tờ International Business Times, “Tỷ lệ phản đối các hiệp ước trong EU đang ở mức cao kỷ lục mọi thời đại”.

Chính vì vậy, dự báo các đảng lớn của EU như đảng Nhân dân châu Âu (EPP) của cựu Thủ tướng Lucxemburg Jean Claude Juncker, đảng Xã hội châu Âu (PES) của đương kim Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz (người Đức), Liên minh Dân chủ và Tự do cho châu Âu (ALDE) của cựu Thủ tướng Bỉ Guy Verhofstadt, đảng Xanh châu Âu (EGP) hay đảng cánh tả châu Âu và đảng Dân chủ châu Âu sẽ bị giảm số phiếu bầu.

Tạp chí The Economist dự báo các đảng cánh tả và cánh hữu chống EU có thể chiếm từ 16% - 25% số ghế tại EP so với 12% hiện nay. Đặc biệt, tại một số quốc gia thành viên EU, các đảng dân túy cực hữu hay hữu khuynh dự báo sẽ chiếm nhiều ghế nhất tại EP trong đó có đảng Mặt trận quốc gia ở Pháp; đảng Tự do ở Hà Lan và Áo; đảng Nhân dân ở Đan Mạch. Tại Hy Lạp, liên minh cực tả (SYRIZA) dẫn đầu danh sách các đảng của nước này tranh cử vào EP. Tại Italia, phong trào dân túy 5 sao (M5S) chủ trương phát triển bền vững và chống chiến tranh đứng thứ nhì trong các đảng tranh cử vào EP.

Mới đây, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso cho rằng sự gia tăng các phong trào cực đoan từ các đảng phái cực hữu hay cực tả trong cuộc bầu cử EP lần này như một ngày hội “của những trách móc vô căn cứ chống lại châu Âu”.

Về phía những người “chống châu Âu” này, phát biểu tại một cuộc tranh luận bầu cử, ứng cử viên đến từ Hy Lạp, ông Alexis Tsipras nhấn mạnh, Hy Lạp là nước đầu tiên mà các nhà lãnh đạo châu Âu lựa chọn để thử nghiệm chính sách thắt lưng buộc bụng được xem là hà khắc nhất. Ông Tsipras đã gọi các biện pháp thắt lưng buộc bụng là “chính sách thảm họa”, đồng thời kêu gọi “một sự thay đổi đường hướng” và “một châu Âu đoàn kết hơn”. Theo ông, EU cần phải chấm dứt tình trạng suy thoái, cũng như chấm dứt chính sách thắt lưng buộc bụng.

Phía ủng hộ các chính sách của EU, ông Jean Claude Juncker cho rằng trong suốt 8 năm đảm nhận cương vị Chủ tịch nhóm Bộ trưởng Tài chính khu vực sử dụng đồng euro, ông đã làm việc suốt ngày đêm để tránh cho Hy Lạp không phải rời khỏi khu vực đồng euro. Ông đã làm tất cả những gì cần thiết để Hy Lạp vẫn là một thành viên của khu vực. Ông cũng tuyên bố, cần phải tiếp tục các chính sách làm trong sạch nền tài chính công trong đó không thể bỏ qua chính sách thắt lưng buộc bụng.

KHÁNH MINH

Tin cùng chuyên mục