Trong quá khứ, Liên minh châu Âu (EU) ủng hộ tự do thương mại tích cực nhất. Nhưng kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007 kéo theo khủng hoảng nợ công nghiêm trọng hiện nay thì những chính phủ, tổ chức, các đại diện của nhiều ngành công nghiệp mũi nhọn trong EU lại yêu cầu các biện pháp bảo hộ, đặc biệt để bảo vệ họ trước các nước có nền kinh tế mới nổi.
Thái độ khác biệt này trở nên rõ ràng vào mùa hè qua, khi các nhà sản xuất panel năng lượng mặt trời của Đức và Chính phủ Pháp phát động các biện pháp bảo hộ trước sự cạnh tranh khốc liệt từ những đối thủ Trung Quốc, đồng thời đình chỉ thỏa thuận thương mại tự do (FTA) đạt được gần đây với Hàn Quốc. Hồi đầu tháng 8, chính Bộ trưởng Đổi mới công nghiệp Pháp Arnaud Montebourg tố cáo rằng: “Việc bán phá giá không thể chấp nhận được của các nhà sản xuất ô tô Hàn Quốc như Hyundai và Kia đã gây tổn thương nền công nghiệp ô tô Pháp”.
Theo đánh giá các chỉ số công nghiệp hiện nay thì lục địa già đã quá tụt hậu. Điển hình, hãng sản xuất ô tô huyền thoại của Pháp Peugeot lỗ lũy kế 1,2 tỷ EUR trong năm qua, phải sa thải hơn 8.000 công nhân trong nước và đóng cửa các cơ sở ở Đông Âu. Trong khi đó, các nhà sản xuất ô tô đến từ xứ Kim chi như “diều gặp gió”. Theo Ủy ban châu Âu (EC), lượng ô tô Hyundai xuất khẩu đến Pháp tăng đến 48% trong nửa đầu năm 2012, ngược lại lượng xe Pháp xuất khẩu sang Hàn Quốc giảm 13%. Hơn một nửa trong số 400.000 xe của Hyundai bán ở châu Âu được sản xuất ở các nước EU. Không những thế, FTA còn giúp giảm thuế hải quan với ô tô nhỏ Hàn Quốc, từ 10% trước đây còn 6,6% vào tháng 6-2012. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều ngành sản xuất công nghiệp mũi nhọn của Pháp như đóng tàu, tàu cao tốc, điện hạt nhân…
Dẫu thế, Hàn Quốc không phải là mối đe dọa duy nhất. 25 nhà sản xuất châu Âu, dẫn đầu là các nhà sản xuất panel năng lượng mặt trời Đức, đang đối mặt với phá sản do sự hiện diện mạnh mẽ của các đối thủ Trung Quốc trên thị trường nội khối đã yêu cầu EU mở cuộc điều tra chính thức về các hoạt động trợ giá của Bắc Kinh. Động thái này của EU đã tạo ra một khái niệm thương mại quốc tế mới mà các chuyên gia kinh tế và nhà phân tích cho rằng bao gồm các biện pháp bảo hộ mới, sẽ gây khó khăn cho các nước đang phát triển như Ấn Độ, Brazil, Nam Phi, Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam.
Trong báo cáo phân tích mang tên “Chính sách thương mại EU trong thập kỷ tới: Đối mặt với thách thức toàn cầu?”, Viện Phát triển hải ngoại ở Anh (ODI) đã khẳng định EU đang theo hướng chủ nghĩa bảo hộ. Bằng chứng viện này đưa ra là bản kiến nghị về thương mại quốc tế của EC dự kiến có hiệu lực vào tháng 1-2014, đề xuất cải cách Hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) của EU, vốn đề ra chính sách thương mại của châu Âu với các nước đang phát triển kể từ năm 1971, đồng thời thiết lập các tiêu chuẩn mới về môi trường, lao động, xã hội đối với những nước muốn làm ăn với EU. ODI cảnh báo số nước đáp ứng đủ điều kiện mới sẽ giảm từ 175 hiện nay xuống 80 trong tương lai gần. GSP mới sẽ loại trừ những nước thu nhập trên trung bình, dù cả ở những lĩnh vực mà các nước này không thể cạnh tranh. Ví dụ, Trung Quốc sẽ đáp ứng nhưng Cuba sẽ bị loại, Indonesia và Thái Lan vẫn ổn trong khi không còn chỗ cho Gabon và Namibia.
Thanh Hải