Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) diễn ra ngày 9-12 được xem là cơ hội cuối cùng để cứu đồng EUR đã đạt được những thỏa thuận cơ bản, góp phần giải quyết cuộc khủng hoảng nợ tại châu Âu trong thời gian tới và quan trọng hơn vẫn quyết tâm duy trì đồng EUR, chứ không để đồng tiền này sụp đổ như dự báo.
Nguyên tắc vàng
Sau hơn 10 giờ tranh luận căng thẳng, các nhà lãnh đạo EU đã thống nhất về một bản dự thảo được nhấn mạnh là “nguyên tắc vàng” để kiểm soát chặt chẽ tài chính nhằm tránh lặp lại một cuộc khủng hoảng nợ tương tự trong tương lai.
Theo Chủ tịch Hội đồng châu Âu, ông Herman Van Rompuy, thỏa thuận tài khóa mới cho khu vực đồng tiền chung EUR (eurozone) được các nhà lãnh đạo EU nhất trí bao gồm hệ thống các quy định về thâm hụt ngân sách và thủ tục bảo hiểm nợ chặt chẽ hơn. Theo đó, giới hạn thâm hụt cơ cấu sẽ ở mức 0,5% GDP của mỗi nước thành viên, trong khi đó trần nợ công vẫn duy trì ở mức 3% GDP, kèm theo điều luật mới quy định nếu nước nào vi phạm sẽ tự động bị trừng phạt nặng.
Cơ chế Ổn định châu Âu (ESM), quỹ cứu trợ thường trực của khu vực có quy mô 500 tỷ EUR, dự kiến có hiệu lực vào tháng 7-2012. ESM sẽ được cấp một giấy phép hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, giúp ESM có thể tiếp cận thanh khoản của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), nâng cao khả năng của cơ chế này đối phó với cuộc khủng hoảng nợ của eurozone. ESM cũng có khả năng trực tiếp tái cấp vốn cho các ngân hàng.
Ngoài ra, EU cũng nhất trí ý tưởng “xem xét và xác nhận trong 10 ngày” về cung cấp các khoản vay cho Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) với tổng giá trị 200 tỷ EUR, trong đó eurozone đóng góp 150 tỷ EUR, để IMF có đủ nguồn lực ứng phó với cuộc khủng hoảng nợ tại châu Âu.
Cuối cùng, ông Van Rompuy khẳng định việc để các nhà đầu tư tư nhân tham gia nắm giữ các khoản nợ của Hy Lạp trong thời gian qua đã có tác động xấu đến các thị trường nợ và chính sách này sẽ không bao giờ được lặp lại.
Eurozone sẽ tan rã?
Trước khi hội nghị lần này diễn ra, Đức và Pháp quyết liệt muốn có các thay đổi Hiệp ước Lisbon để hướng tới nguyên tắc tài chính chặt chẽ hơn cần phải đưa vào luật pháp châu Âu. Theo đó, EU có quyền xử phạt các nước để thâm hụt ngân sách quá lớn; toàn bộ 17 nước eurozone cần thay đổi luật pháp riêng để cân bằng ngân sách…
Tuy nhiên, kế hoạch của 2 nước trên đã không nhận được sự tán thành của tất cả 27 nước thành viên tại hội nghị. Điều này đồng nghĩa với việc nhiều khả năng từ nay trở đi, mọi thỏa thuận của khối sẽ chỉ liên quan tới 17 quốc gia thuộc eurozone, cộng thêm các quốc gia khác muốn tham gia.
Theo AFP, thỏa thuận đổ vỡ sau khi Thủ tướng Anh David Cameron yêu cầu các đối tác phải có nhượng bộ, song Đức và Pháp không chấp thuận. Ông David Cameron yêu cầu phải có những đảm bảo nhằm ngăn chặn việc tăng quyền lực cho các tổ chức giám sát tài chính của EU phụ trách các lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm và thị trường chi phối chính phủ các nước thành viên.
Mặc dù các thành viên của EU chưa đạt được đồng thuận triệt để, nhưng hội nghị đã cho thấy một tín hiệu tích cực đó là các nhà lãnh đạo EU không “buông xuôi” vận mệnh của khối và đồng tiền chung châu Âu. Trước khi hội nghị diễn ra, rất nhiều ý kiến đã cho rằng hội nghị lần này sẽ là nơi đặt dấu chấm hết cho eurozone.
Theo tờ Le Monde của Pháp, ở châu Âu, không ai muốn tin vào kịch bản eurozone tan rã nhưng tất cả đều đã chuẩn bị tinh thần. Trong khi đó, một bài phân tích đăng trên Ria-Novosti cho rằng cuộc họp ngày 9-12 của EU sẽ là ngày phán quyết cho eurozone.
| |
Đỗ Văn