EU tạo “cơn sóng thần” với giới công nghệ

Nghị viện châu Âu (EP) và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) vừa nhất trí về 2 đạo luật mới nhằm chấm dứt việc lạm dụng vị trí thống trị của các tập đoàn kỹ thuật số lớn. Theo đó, trong thời gian tới, các đại gia công nghệ như Google, Apple, Meta (Facebook), Microsoft và Amazon (gọi tắt là GAMMA) buộc phải điều chỉnh hoạt động kinh doanh cốt lõi tại châu lục này. 
Cặp đôi khắc tinh của giới công nghệ: Margrethe Vestager và Thierry Breton
Cặp đôi khắc tinh của giới công nghệ: Margrethe Vestager và Thierry Breton

Bảo vệ toàn phần

2 luật mới bao gồm Đạo luật Thị trường kỹ thuật số (DMA) và Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số (DSA). Cả hai đạo luật này đã được EP thông qua vào giữa tháng 12-2021 trước khi đặt lên bàn đàm phán với các nước thành viên EU. DMA sẽ trao cho EU các quyền hạn chưa từng có để nhanh chóng hành động đối với các công ty công nghệ lớn nói trên, đồng thời đề ra quy định nghiêm ngặt về những điều “được làm” và “không được làm” trên nền tảng mà các công ty này quản lý. DSA bao gồm các quy định đảm bảo rằng nền tảng trực tuyến phải chịu trách nhiệm về các thuật toán của mình, đồng thời có nghĩa vụ kiểm duyệt nội dung tốt hơn. Quy định cũng sẽ buộc các tập đoàn công nghệ phải chia sẻ dữ liệu quan trọng với khách hàng doanh nghiệp và bắt buộc phải có sự đồng ý của người dùng đối với dữ liệu tham khảo chéo từ nhiều dịch vụ cho mục đích lập hồ sơ quảng cáo.  

Các khoản tiền phạt có thể lên đến 10% doanh số kinh doanh toàn cầu với các trường hợp vi phạm và EP muốn tăng cường phương tiện ngăn chặn hơn nữa trong trường hợp tái phạm. 2 đạo luật của EU được cho là có thể thay đổi toàn bộ cách thức hoạt động của các hãng công nghệ tại châu Âu, bởi những điều khoản của 2 đạo luật này hướng tới giải quyết hiệu quả nạn tin giả và phát ngôn thù địch trên mạng, cũng như ngăn chặn các công ty này bành trướng tới mức độc chiếm thị trường, triệt tiêu cạnh tranh lành mạnh. 

Theo trang Politico, trong 20 năm qua, các nền tảng kỹ thuật số đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Mặc dù lợi ích của sự chuyển đổi này là rõ ràng, nhưng vị trí thống trị đã mang lại cho một số công ty hay nền tảng lợi thế đáng kể so với các đối thủ cạnh tranh, đồng thời có ảnh hưởng đối với xã hội và nền kinh tế. Mục đích của DMA là bảo đảm một sân chơi bình đẳng cho tất cả công ty kỹ thuật số, ngăn GAMMA áp đặt các điều kiện không công bằng lên doanh nghiệp và người tiêu dùng. Trong khi đó, DSA tạo ra một không gian kỹ thuật số an toàn hơn cho người dùng và các công ty. 

Cặp đôi khắc tinh

Động thái của EU diễn ra trong bối cảnh có nhiều ý kiến chỉ trích rằng, các quy định quản lý hiện tại không đủ hiệu quả và kịp thời để bảo đảm tính cạnh tranh trên thị trường công nghệ. Bởi vậy, đa số nghị sĩ đều kêu gọi EU đưa ra các quy định đi tắt đón đầu, nhằm kiểm soát trước khi sự lớn mạnh không ngừng của GAMMA vượt ngoài tầm kiểm soát.

Ủy ban Bảo vệ người tiêu dùng và thị trường nội khối thuộc EP cũng đã thông qua DSA từ tháng 12-2021. Hiện các công ty công nghệ lớn và các nhóm lợi ích khác đang vận động hành lang để tác động đến nội dung đạo luật, còn quốc gia thành viên EU đang phải cân nhắc thận trọng trước các ưu tiên quốc gia của riêng họ. Trong khi đó, tổ chức Người tiêu dùng châu Âu nhận định, điều quan trọng là EU đặt ra tiêu chuẩn nhằm bảo đảm nền kinh tế kỹ thuật số hoạt động vì lợi ích của người tiêu dùng hơn là vì lợi ích độc quyền của những gã khổng lồ công nghệ. 

Những quy định mới do Ủy viên cạnh tranh Margrethe Vestager và Ủy viên Thị trường nội bộ EU Thierry Breton soạn thảo. Cặp đôi này được coi là khắc tinh của những gã khổng lồ công nghệ, từng chia sẻ trong một bài viết trên The Irish Times ngày 13-12-2021, thừa nhận những quy định hiện hành đã không còn phù hợp với thời cuộc: “Các quy định của EU về dịch vụ kỹ thuật số ở châu Âu đã có từ năm 2000. Hầu hết các nền tảng trực tuyến chưa tồn tại vào thời điểm đó. Chúng tôi cần cập nhật công cụ pháp lý để bảo đảm rằng các quy định và nguyên tắc của EU được tôn trọng ở mọi lĩnh vực”.
EU tạo “cơn sóng thần” với giới công nghệ ảnh 1 Minh họa về 2 đạo luật mới của EU siết chặt giám sát các hãng công nghệ để bảo vệ công dân
Không chỉ dừng lại ở khoản tiền phạt nặng lên tới 10% doanh thu hàng năm, các quy định mới thậm chí còn cấm hoạt động tạm thời tại thị trường EU nếu các công ty vi phạm nghiêm trọng và tái diễn vi phạm gây nguy hại an ninh của các công dân châu Âu. Theo nhận định của Giáo sư Nicolas Petit, một chuyên gia về luật cạnh tranh tại Viện Đại học châu Âu, 2 đạo luật vừa được thông qua được ví như “cơn sóng thần” đối với các hãng công nghệ. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, những quy định mới có khả năng sẽ thổi bùng các cuộc tranh cãi, thậm chí là gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và EU, do các hãng công nghệ của xứ cờ hoa chiếm tỷ lệ lớn trong danh sách bị siết chặt kiểm soát. 

Với những quy định mới, giới chức EU hy vọng sẽ không còn tình trạng một công ty công nghệ lớn có thể thao túng thị trường tìm kiếm và quảng cáo trực tuyến, hay bắt nạt, o ép, thậm chí là nuốt chửng đối thủ khi thấy dấu hiệu đe dọa cạnh tranh. Tuy nhiên, như một số nhà phân tích đã chỉ ra, thách thức đặt ra lúc này là các quy định mới cần phải dung hòa được yêu cầu và nguyện vọng của tất cả quốc gia thành viên EU. Điều này vốn không hề dễ dàng khi mà một số quốc gia đã và đang theo đuổi các điều luật cứng rắn hơn, trong khi số khác lại lo ngại những quy định quá mức sẽ tác động đến sự đổi mới, sáng tạo.

Tin cùng chuyên mục