Eurozone dần thoát khỏi suy thoái

Theo số liệu mà Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat) mới công bố cho thấy sản lượng công nghiệp của 17 quốc gia thành viên Khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) đã hồi phục mạnh trong tháng 6-2013, sau khi giảm 0,2% ở tháng trước. Giới chuyên gia kinh tế nhận định, đây là dấu hiệu cho thấy khu vực đồng tiền chung đang dần thoát khỏi suy thoái.
Eurozone dần thoát khỏi suy thoái

Theo số liệu mà Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat) mới công bố cho thấy sản lượng công nghiệp của 17 quốc gia thành viên Khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) đã hồi phục mạnh trong tháng 6-2013, sau khi giảm 0,2% ở tháng trước. Giới chuyên gia kinh tế nhận định, đây là dấu hiệu cho thấy khu vực đồng tiền chung đang dần thoát khỏi suy thoái.

        Tín hiệu mừng

Cụ thể, mức tăng sản lượng công nghiệp trong tháng cuối cùng của quý 2-2013 đạt 0,7%, cao hơn 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính trên toàn Liên minh châu Âu (EU), sản lượng công nghiệp trong tháng 6 cũng tăng 0,9%, cao hơn 0,4% so với cùng thời điểm năm ngoái và đảo ngược so với mức giảm 0,4% trong tháng trước đó. Trong các nước thành viên EU, Ireland có sản lượng công nghiệp tăng mạnh nhất với 8,7%, tiếp đến là Romania (5,7%) và Ba Lan (3,1%).

Ngày 14-8, cả Đức và Pháp cũng đồng loạt công bố số liệu cho thấy sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn dự kiến. Theo báo Financial Times, nền kinh tế Đức tăng trưởng 0,7% từ tháng 4 đến cuối tháng 6, mức tăng trưởng mạnh nhất trong hơn 1 năm qua. Thành tích này giúp đưa nước Đức có tốc độ tăng trưởng GDP vượt lên hàng đầu trong nhóm 7 nước công nghiệp phát triển. Ngày 10-8, Bộ trưởng Kinh tế Pháp Pierre Moscovici cũng tuyên bố nền kinh tế Pháp đã “ra khỏi suy thoái”. Sau 2 quý tăng trưởng âm (quý 4-2012 và quý 1-2013), trong quý 2 và quý 3 của năm nay, nền kinh tế Pháp đã bắt đầu tăng trưởng dương.

Trong khi đó, tại Anh, theo kết quả một cuộc khảo sát do Viện Phát triển nguồn nhân lực Anh (CIPD) vừa công bố, các chủ doanh nghiệp Anh đang đẩy mạnh việc thuê nhân công. Làn sóng tuyển dụng lao động với tốc độ cao nhất (kể từ tháng 10-2007) lần này được coi là một dấu hiệu nữa cho thấy kinh tế Anh đang phục hồi mạnh mẽ. Chuyên gia kinh tế hàng đầu của CIPD Mark Beatson dự báo thị trường việc làm sẽ tăng trưởng mạnh vào mùa thu này.

Kinh tế Đức tăng trưởng vượt dự kiến.

Kinh tế Đức tăng trưởng vượt dự kiến.

        Niềm tin người tiêu dùng phục hồi

Đây là lần đầu tiên sản lượng công nghiệp ở các nước châu Âu tăng sau nhiều tháng sụt giảm, càng làm tăng thêm niềm tin về khả năng phục hồi kinh tế ở châu lục này sau khi đã được chứng kiến những kết quả vượt bậc trong ngành bán lẻ, kinh doanh và tăng niềm tin của người tiêu dùng. Theo thông tin từ Đức, chỉ số niềm tin của giới đầu tư đối với nền kinh tế lớn nhất châu Âu này đã tăng 5,7 điểm lên mức 42 điểm trong tháng 8, cao hơn mức dự báo 40 điểm được các chuyên gia đưa ra trước đó. Các nền kinh tế Đông Âu cũng có dấu hiệu hồi phục. CH Czech tăng trưởng 0,7% so với quý 1, Ba Lan tăng 0,4% và Hungaria tăng 0,1%.

Tập đoàn tài chính Credit Suisse cho rằng, kinh tế châu Âu bắt đầu thoát dần khỏi suy thoái từ đầu tháng 8 với những dấu hiệu phục hồi khả quan. Trong khi đó, chỉ số thu mua sản xuất (PMI) đồng loạt tăng ở hầu khắp các nền kinh tế châu Âu. Hoạt động sản xuất tăng trưởng trở lại sau hơn 2 năm. Giới đầu tư cũng bắt đầu ngừng làn sóng thoái vốn khỏi khu vực này. Thậm chí, ở hai nền kinh tế nằm ở tâm “bão” khủng hoảng là Hy Lạp và Tây Ban Nha, sau một thời gian dài, niềm tin tiêu dùng và kinh doanh lần đầu tiên tăng trở lại. Hiện tỷ lệ thất nghiệp của 2 nước vẫn trên 25% nhưng những số liệu mới công bố cho thấy tình hình thị trường việc làm có dấu hiệu được cải thiện. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những nước bị sụt giảm sản lượng công nghiệp như Hà Lan, Bồ Đào Nha.

Giới phân tích nhận định việc sản lượng công nghiệp tăng là tín hiệu cho thấy eurozone đang dần thoát khỏi khủng hoảng, cho dù tăng trưởng kinh tế ở khu vực này vẫn đang chịu nhiều sức ép từ các chính sách thắt lưng buộc bụng, tỷ lệ thất nghiệp cao và đặc biệt là kinh tế toàn cầu vẫn còn ảm đạm. Suy thoái kinh tế tự sinh ra ở châu Âu và nay đà phục hồi cũng bắt nguồn từ châu Âu.

HẠNH CHI (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục