Evita biểu tượng văn hóa

Argentina và nhiều nước Mỹ Latinh vừa tưởng niệm 70 năm ngày mất của Eva Peron, hay còn gọi là Evita, cựu Đệ nhất phu nhân Argentina, người trở thành cảm hứng của vô số sách, phim, chương trình truyền hình và thậm chí là vở nhạc kịch Broadway.
Một cảnh trong phim Evita với Madonna vào vai Evita
Một cảnh trong phim Evita với Madonna vào vai Evita

Cựu Đệ nhất phu nhân Argentina Maria Eva Duarte de Peron được biết đến nhiều hơn với tên gọi Eva Peron, hay Evita, sinh ngày 7-5-1919 ở Los Toldos, một thị trấn nông thôn nhỏ cách thủ đô Buenos Aires khoảng 300km. Năm 1945, bà kết hôn với Juan Domingo Peron, một sĩ quan quân đội và là quan chức chính phủ. Evita đã tích cực hỗ trợ ông Peron giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1946.

Với tư cách là đệ nhất phu nhân, bà hoạt động hết mình vì quyền của phụ nữ, bao gồm quyền bầu cử được thông qua một năm sau đó, đóng vai trò quan trọng thiết lập nền tảng giúp đỡ người lao động và người nghèo. Bà qua đời ngày 26-7-1952 vì ung thư cổ tử cung.

Những người yêu mến Evita luôn nhớ đến hình ảnh Evita như một nhà đấu tranh vì người nghèo. Tinh thần của bà truyền cảm hứng cho rất nhiều người thực hiện công việc thiện nguyện, cũng như đấu tranh vì công bằng xã hội.

Một ngày trước lễ tưởng niệm 70 năm ngày mất của Evita, chị Maria Eva Sapire, người được đặt theo tên bà Evita, cùng với gần 100 người khác đã mặc trang phục giống Evita để bày tỏ lòng kính trọng đối với cựu Đệ nhất phu nhân Argentina. Chị Sapire nói: “Khi bạn lắng nghe những bài phát biểu của bà, thật ngạc nhiên là rất nhiều điều vẫn phù hợp cho tới tận ngày nay”.

Cùng quan điểm này, anh Alejandro Maci, đạo diễn loạt phim mới Santa Evita (dựa trên cuốn tiểu thuyết năm 1995 của nhà văn Argentina Tomas Eloy Martinez; vừa công chiếu trên dịch vụ phát trực tuyến Disney+) cho rằng, Evita mãi là biểu tượng lớn cho nhiều chủ đề của cuộc sống, nhất là về văn hóa.

Bà Cristina Alvarez Rodriguez, cháu của bà Evita, hiện là quan chức của chính quyền tỉnh Buenos Aires, cho biết, bà đặc biệt xúc động trước số lượng những cô gái rất trẻ đã xăm hình Evita. Nhiều người hiện nay cũng đang khao khát một hình thể như Evita.

Cuối thế kỷ 20, Evita đã trở thành chủ đề của nhiều bài báo, sách, vở kịch sân khấu và nhạc kịch, từ sách tiểu sử The Woman with the Whip (năm 1952) đến phim truyền hình có tựa đề Evita Peron (năm 1981) do Faye Dunaway thủ vai chính. Tác phẩm thành công nhất về cuộc đời của cựu Đệ nhất phu nhân Argentina là vở nhạc kịch Evita, do Andrew Lloyd Webber và Tim Rice đồng sản xuất vào năm 1976. Elaine Paige được chọn vào vai chính (khi vở kịch biểu diễn ở West End, London vào năm 1978, Elaine Paige giành được giải Olivier cho Màn trình diễn xuất sắc nhất trong một vở nhạc kịch).

Năm 1980, đến lượt Patti LuPone đã giành được giải Tony cho Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất trong vở nhạc kịch này với vai diễn chính trên sân khấu Broadway. Vở diễn cũng giành được giải Tony cho Nhạc kịch hay nhất và Evita trở thành vở nhạc kịch Anh đầu tiên được trao giải này. Như một số nhà phê bình tuyên bố, “Evita đã được dàn dựng tại mọi lục địa, ngoại trừ Nam cực và đã tạo ra doanh thu hơn 2 tỷ USD”.

Năm 1996, nữ hoàng nhạc pop Madonna được chọn vào vai Evita trong phim ca nhạc cùng tên. Bộ phim đã giúp Madonna đoạt giải Quả cầu vàng dành cho Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất trong phim ca nhạc. Trong nỗ lực mô tả chính xác hơn về cuộc đời của Evita, một công ty điện ảnh Argentina đã phát hành Eva Perón: The True Story. Bộ phim có sự tham gia của nữ diễn viên Esther Goris trong vai chính và là tác phẩm đại diện cho điện ảnh Argentina tham gia tranh giải Oscar ở hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất.

Tin cùng chuyên mục