Facebook: Đường đến ngôi vương

Tìm lối đi riêng
Facebook: Đường đến ngôi vương

“Sinh sau đẻ muộn”, góp mặt trên cộng đồng mạng gần 10 năm sau khi dịch vụ mạng xã hội đầu tiên theglobe.com ra đời, Facebook đã tăng tốc ngoạn mục để trở thành mạng xã hội có “dân số” đông nhất. Năm 2004, người ta bắt đầu biết đến Facebook. Năm 2012, họ mơ ước mình sở hữu được những cổ phiếu tiềm năng có tên của mạng xã hội khổng lồ đang thu hút 900 triệu người dùng.

Mark Zuckerberg (hàng đầu, thứ hai từ phải sang) chung vui cùng cộng sự trong ngày Facebook tiến hành IPO.

Mark Zuckerberg (hàng đầu, thứ hai từ phải sang) chung vui cùng cộng sự trong ngày Facebook tiến hành IPO.

Tìm lối đi riêng

Nhắc đến Facebook, người ta nhớ ngay cái tên Mark Zuckerberg, người “thai nghén” những dòng mã ban đầu cho Facebook và cũng là người có tỷ lệ sở hữu cao nhất trong công ty với 24%, tổng tài sản là 7,5 tỷ USD. Mark Zuckerberg hiện là Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành của Facebook. Theo bản tin The Harvard Crimson của Đại học Harvard, năm 2003, khi còn là sinh viên năm hai của trường, Mark Zuckerberg – một người ham thích công việc viết chương trình phần mềm đã tạo ra trang FaceMash.com, tiền thân của trang Facebook. Trang web dù chỉ tồn tại trong thời gian ngắn ngủi nhưng đã kịp thu hút 450 người truy cập để xem 22.000 tấm ảnh bị Mark Zuckerberg lấy cắp từ trung tâm quản lý dữ liệu nữ sinh viên ở ký túc xá trường Harvard. Mark Zuckerberg phải dỡ bỏ FaceMash.com xuống sau vài ngày vì nhận được hàng loạt lời chỉ trích cáo buộc xâm phạm quyền riêng tư. Tuy nhiên, chính Mark Zuckerberg cũng không ngờ trang web thử nghiệm tính tương tác của người xem thông qua công cụ gửi phản hồi và bình chọn lại có sức lan tỏa nhanh đến vậy. Sau đó, trang FaceMash.com đã được các sinh viên Trường Đại học Harvard bán trong một phiên đấu giá, với mức giá hơn 30.000 USD.

  • Mark Zuckerberg:

"Bằng cách trao cho mọi người quyền được chia sẻ, chúng ta đang khiến mọi thứ trở nên rõ ràng hơn. Chúng ta học tập, làm việc và sẽ càng phát triển bản thân hơn khi thấu hiểu được quan điểm, góc nhìn khác từ mỗi người xung quanh"

Sau “sự cố” này, Mark Zuckerberg được nhà trường ưu ái và không truy cứu. Trước đó, anh cũng đã được mời vào nhóm thực hiện trang mạng xã hội ConnectU cho nội bộ sinh viên Đại học Harvard. Từ “sự cố” FaceMash, Zuckerberg càng tỏ rõ đam mê thực hiện dự án tương tác thông qua internet bằng việc tạo ra công cụ chuyển tải hồ sơ của 500 tác giả văn học của Pháp, Anh ở thế kỷ 18 để sinh viên trường tham khảo, viết bình luận. Công cụ này được bạn học ở lớp Zuckerberg tiếp cận trước hết. Học kỳ tiếp theo, từ tháng 1-2004, anh bắt tay viết những đoạn mã đầu tiên cho trang Facebook (tên đầu tiên là TheFacebook.com) trong khi cùng song song bàn chuyện hợp tác với nhóm thực hiện ConnectU. Tham vọng tạo ra một mạng xã hội mang dấu ấn cá nhân đã cuốn Zuckerberg ra khỏi những kế hoạch, thảo luận để tạo nên ConnectU. Một tháng ròng rã dồn sức cho các đoạn mã, đến tháng 2-2004 “đứa con” Facebook mà anh ấp ủ đã ra đời nhưng vấp phải khó khăn đầu tiên là bị ban giám hiệu nhà trường kiện là trang cạnh tranh với ConnectU và Zuckerberg đã không thành thật khi giấu nhẹm chuyện mình tự viết một trang web có tính năng tương tự trang ConnectU. Thế nhưng, Zuckerberg một lần nữa tránh được rắc rối. Facebook đã làm nên điều kỳ diệu khi chỉ trong vòng 24 giờ ra mắt, nó đã tiếp nhận 1.200 lượt đăng ký từ sinh viên của trường. Trong một tháng, hơn nửa số sinh viên Đại học Harvard đã trở thành thành viên của trang web. Mục tiêu ban đầu của trang web là thiết lập danh bạ trực tuyến, phục vụ việc liên lạc, trao đổi thông tin giữa các sinh viên của trường.

Thành công vượt ngoài mong đợi của chàng trai trẻ Mark Zuckerberg khi ấy vừa tròn 20 tuổi. Đó cũng là lúc Mark Zuckerberg cần có những cộng sự thân tín nhất để giúp phát triển Facebook theo hướng chuyên nghiệp hơn, vì với nhu cầu và xu hướng toàn cầu hóa, nếu Facebook chỉ gói gọn hoạt động trong Trường Đại học Harvard thì quả là điều lãng phí. Nhóm bạn học ở cùng ký túc xá với Zuckerberg là Eduardo Saverin (ngành kinh doanh), Dustin Moskovitz (ngành lập trình), Chris Hughes (đảm nhận vai trò là người phát ngôn của Facebook) và nghệ sĩ đồ họa Andrew McCollum đã nhanh chóng tham gia cùng Zuckerberg để giúp quảng bá trang Facebook.

Không ngừng cải tiến

Tháng 3-2004, sinh viên Đại học Stanford, Columbia và Yale tiếp cận được với Facebook. Sau đó không lâu, sinh viên toàn khu vực Bắc Mỹ đã biết đến mạng xã hội này. Năm 2005, công ty đã bỏ chữ “The” ra khỏi tên của trang này để mua tên miền www.facebook.com với giá 200.000 USD. Năm 2005, học sinh ở các trường trung học đã yêu cầu Facebook cho họ quyền mở tài khoản. Đến năm 2006, Facebook mở rộng đối tượng sử dụng ra cho thiếu niên từ 13 tuổi trở lên.

Một trong những nguyên nhân khiến Facebook ngày càng thu hút nhiều người dùng là mạng xã hội này không ngừng nâng cao tính năng tương tác. Năm 2006, người dùng biết đến tính năng News Feed xuất hiện trên trang chủ của thành viên, làm nổi bật thông tin bao gồm thay đổi hồ sơ, các sự kiện sắp tới và ngày sinh nhật của bạn bè trong danh sách. Nhu cầu chia sẻ hình ảnh được Facebook hiểu rõ nên đã dần nâng cấp số lượng hình ảnh tải lên cho mỗi album, đến nay tối đa 200 ảnh/album. Một trong những tính năng bảo đảm tính riêng tư của Facebook là quyền cài đặt những tài khoản có/không thể xem thông tin, hình ảnh được đưa lên. Ngoài ra là chức năng đánh dấu, tạo liên kết người dùng ngay trên những dòng thông tin, gợi ý kết bạn càng làm tăng thêm khả năng tương tác. Có thể kể đến những chức năng hữu dụng ở Facebook như viết nhật ký, gửi tin nhắn, địa chỉ mail @facebook.com…

Chinh phục ngôi vương

Phần lớn doanh thu của Facebook đến từ quảng cáo. Microsoft là một đối tác đặc biệt của Facebook về các dịch vụ banner quảng cáo. Tháng 10-2007, Microsoft thông báo đã mua được 1,6% cổ phần (240 triệu USD) của Facebook, nâng giá trị tài sản của Facebook lên khoảng 15 tỷ USD. Microsoft cũng mua bản quyền cho phép đặt các quảng cáo quốc tế của công ty lên Facebook. Tháng 10-2008, Facebook tuyên bố đã thiết lập một trụ sở quốc tế tại Dublin, Ireland. Tháng 9-2009, Facebook tuyên bố lần đầu tiên công ty đã đạt lợi nhuận. Tháng 11-2010, dựa trên thống kê của SecondMarket Inc., một sàn giao dịch chứng khoán của các công ty tư nhân, tổng tài sản của Facebook là 41 tỷ USD (vượt qua một chút so với eBay) và trở thành công ty dịch vụ web lớn thứ ba ở Mỹ sau Google và Amazon.

Về quyền sở hữu Facebook, Mark Zuckerberg sở hữu 24%, Accel Partners là 10%, Digital Sky Technologies là 10%, Dustin Moskovitz 6%, Eduardo Saverin là 5%, Sean Parker là 4%, Peter Thiel (người đồng sáng lập Paypal - nhà cung cấp dịch vụ hỗ trợ thanh toán trực tuyến hàng đầu thế giới và cũng là người đầu tiên đầu tư vào Facebook) là 3%... Phần còn lại do một số nhân vật nổi tiếng, nhân viên hoặc những người giấu tên sở hữu.

Ngày 18-5, cổ phiếu của Facebook đã được niêm yết trên sàn Nasdaq với mức giá 38 USD, mức giá kỳ vọng cao nhất trong đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Theo Facebook, công ty này phát hành 421 triệu cổ phiếu đợt này. Facebook hiện có giá trị 104,2 tỷ USD, bằng một nửa giá trị thị trường hiện nay ở mức 203 tỷ USD của Tập đoàn Google. Với mức giá này, Facebook chính thức trở thành công ty có giá trị cao nhất ở thời điểm phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO) ở Mỹ.

Như Quỳnh (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục