* Nguy cơ đóng cửa công sở liên bang do tranh cãi về chính sách tài chính
(SGGPO).- Ngày 19-9, thị trường chứng khoán thế giới đồng loạt phản ứng tích cực ngay sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) bất ngờ tuyên bố sẽ giữ nguyên quy mô chương trình nới lỏng định lượng (QE) - chương trình mua trái phiếu trị giá 85 tỷ USD/tháng. Quyết định của FED trái ngược với nhận định trước đó của giới chuyên gia về khả năng FED quyết định rút lại QE trong bối cảnh kinh tế Mỹ đã bắt đầu khởi sắc.
Theo các chuyên gia, FED đã quyết định không cắt giảm rút QE vì kinh tế Mỹ vẫn trong tình trạng hồi phục yếu ớt. Nếu FED rút QE quá nhanh sẽ khiến lãi suất trên thị trường tăng mạnh, giáng đòn nặng nề vào hoạt động đầu tư của doanh nghiệp. Thứ hai, nếu FED rút QE, dòng tiền sẽ phải quay trở về Mỹ, ảnh hưởng nặng nề tới nhiều nước, đặc biệt là các nước thị trường mới nổi, thu hẹp xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Mỹ. Thứ ba, trong bối cảnh uy tín của ông Obama giảm mạnh, bất cứ hành động nào làm tổn thương tới kinh tế đều sẽ khiến vấn đề trầm trọng hơn.
Trong diễn biến khác, nguy cơ các công sở liên bang phải đóng cửa từ giữa tháng 10 tới đang ngày càng hiện hữu khi các nhà lãnh đạo của đảng Cộng hòa tại Hạ viện, ngày 18-9, đồng loạt lên tiếng đả phá kế hoạch cải cách chế độ chăm sóc y tế của chính quyền Barack Obama, thường gọi là ObamaCare. Chủ tịch Hạ viện, Hạ nghị sỹ dảng Cộng hòa John Boehner cho biết ngày mai (20-9) ông sẽ cùng các nhà lãnh đạo khác của đảng Cộng hòa tại Hạ viện yêu cầu đưa chương trình ObamaCare ra khỏi kế hoạch ngân sách tài khóa 2014, bắt đầu thực hiện từ ngày 1-10 tới.
Tổng thống Obama đã ngay lập tức lên tiếng bác bỏ các điều kiện này, đồng thời kêu gọi lãnh đạo các doanh nghiệp hãy cùng nhau gây áp lực buộc Quốc hội phải thông qua việc nâng trần nợ mà không gắn với bất kỳ điều kiện nào. Ông Obama tuyên bố sẵn sàng thương lượng về việc cắt giảm chi tiêu ngân sách, nhưng không chấp nhận thương lượng về việc nâng trần nợ.
Trước đó, Bộ tài chính Mỹ cho biết đến giữa tháng 10 tới khoản nợ quốc gia của Mỹ sẽ vượt trần 16.700 tỷ USD, nếu Quốc hội không tiếp tục nâng trần nợ thì chính phủ liên bang sẽ rơi vào tình trạng phá sản phải đóng cửa. Nếu tình huống này xảy ra, đây sẽ là lần đầu tiên kể từ năm 1996, một phần công sở chính phủ liên bang Mỹ sẽ phải đóng cửa do không có ngân sách hoạt động.
Hạnh Chi
>> Tổng thống Mỹ không thương lượng về trần nợ công