FED tăng lãi suất: Thị trường tài chính diễn biến trái chiều

Sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) công bố tăng lãi suất lên 0,25%, nâng mức lãi suất cho vay lên 1,75% - 2%/năm, thị trường tài chính thế giới đã có phản ứng trái chiều, phản ánh tâm lý lo ngại của giới đầu tư về chính sách thắt chặt tiền tệ của Chính phủ Mỹ. 

 

Thông báo tăng lãi suất của Chủ tịch FED Jerome Powell được phát tại Sàn giao dịch chứng khoán New York (Mỹ)
Thông báo tăng lãi suất của Chủ tịch FED Jerome Powell được phát tại Sàn giao dịch chứng khoán New York (Mỹ)
Kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh
 

Đợt tăng lãi suất mới diễn ra trong bối cảnh kinh tế Mỹ đang phục hồi mạnh. FED dự báo tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Mỹ tăng 2,8% trong năm nay, nhỉnh hơn so với dự báo trước, và tăng 2,4% trong năm 2019. Lạm phát của Mỹ đạt 2,1% trong năm 2018 và giữ ở mốc này cho tới hết năm 2020. Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC) - cơ quan hoạch địch chính sách của FED cho biết thị trường lao động của Mỹ tiếp tục vững mạnh và hoạt động kinh tế tăng với tốc độ vững chắc. Với việc tăng lãi suất lần thứ 2 này, thị trường kỳ vọng sẽ có tổng cộng 4 đợt tăng lãi suất trong năm nay, so với dự đoán 3 đợt trước đó. 

Tuyên bố của FOMC nhấn mạnh rằng việc tăng lãi suất sẽ không làm chệch đà tăng trưởng kinh tế, mà ủy ban này đánh giá là đang mạnh mẽ, cao hơn mức vừa phải. Dù thừa nhận lo ngại của các doanh nghiệp trên cả nước về sự bất trắc mà các chính sách thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump gây ra, nhưng Chủ tịch FED Jerome Powell khẳng định trong một cuộc họp báo rằng nền kinh tế Mỹ đang có sức khỏe tốt. Ông Powell cũng giảm nhẹ những lo ngại về nguy cơ lạm phát tăng cao. Ông Powell nói thêm rằng việc tiếp tục nâng lãi suất đều đặn sẽ giúp ích cho tăng trưởng kinh tế.

Tâm lý lo ngại 

Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Mỹ đã có phiên giảm điểm trong ngày 14-6. Các chỉ số chứng khoán chủ chốt như Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq có mức giảm lần lượt từ 0,11 đến 0,47%. Thị trường chứng khoán châu Âu và châu Á cũng đồng loạt sụt giảm. Trong khi đó, giá vàng giao tháng 8 năm nay lại tăng 0,56%, chốt mức 1.308 USD/ounce. Hiện tượng hàng loạt chỉ số chứng khoán đồng loạt giảm mạnh được cho là xuất phát từ tâm lý lo ngại lãi suất tăng đồng nghĩa với việc chi phí vay mượn, bao gồm vay tiêu dùng, vay tín dụng và vay đầu tư doanh nghiệp sẽ tăng hơn so với trước đó.  Thị trường đã dự báo FED sẽ tăng lãi suất trong cuộc họp lần này, nhưng thông báo mà FED đưa ra “diều hâu”  hơn so với thị trường kỳ vọng và làm dấy lên nỗi lo lãi suất tăng quá nhanh sẽ kéo lùi tăng trưởng kinh tế.

Theo giới phân tích, diễn biến này có thể kéo theo đồng USD tăng giá, gây khó khăn cho các nước đang phát triển trong việc kiểm soát dòng vốn vào/ra ở các quốc gia đang phát triển, đặc biệt những nước có vay nợ USD ở mức cao. Khả năng cơ quan này tăng lãi suất thêm 2 lần nữa trong năm nay khiến nhiều người cho rằng dòng vốn đầu tư sẽ rút ồ ạt ra khỏi các nền kinh tế đang phát triển.
 
Cùng thời điểm FED công bố tăng lãi suất, tờ Wall Street Journal đưa tin chính quyền Tổng thống Donald Trump có ý định thúc đẩy một kế hoạch áp thuế hàng chục tỷ USD đối với hàng hóa Trung Quốc, động thái được cho là sẽ vấp phải các biện pháp trả đũa của Trung Quốc. Hiện cổ phiếu của Boeing và Caterpillar, hai công ty có hoạt động kinh doanh lớn tại Trung Quốc, đã mất khoảng 2% giá trị. Ông Art Hogan, giám đốc chiến lược thị trường của Wunderlich Securities, cho rằng quyết định của FED là không ngoài dự đoán. Ông cho biết việc cổ phiếu của Boeing mất điểm phản ánh các lo ngại về nguy cơ xảy ra chiến tranh thương mại.

Tin cùng chuyên mục