Từ ngày 4 đến 10-4-2012 tại Bến Tre sẽ diễn ra Festival Dừa Bến Tre lần III năm 2012. Toàn bộ chương trình festival do đạo diễn Lê Quý Dương (ảnh) viết kịch bản và làm tổng đạo diễn. Trước thềm festival, chúng tôi có cuộc trò chuyện cùng đạo diễn Lê Quý Dương…
* PV: Anh có thể cho biết những nét mới của Festival Dừa Bến Tre lần thứ III năm 2012?
* Đạo diễn LÊ QUÝ DƯƠNG: Nếu như các chương trình của hai lần trước chú trọng nhiều tới việc tôn vinh hình ảnh cây dừa như một biểu tượng gắn với lịch sử đấu tranh hào hùng trên quê hương Đồng Khởi thì lần này, cây dừa được nhìn nhận như một chuỗi giá trị toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường, đóng góp tích cực vào việc nâng cao đời sống và thu nhập của người dân Bến Tre nói riêng, cũng như sự phát triển của ngành công nghiệp trồng, chế biến, sản xuất các sản phẩm dừa trên địa bàn cả nước nói chung.
Tôi rất tâm đắc với điều này bởi vì tôi cảm thấy được khá rõ ràng hiệu quả của một Festival Dừa Bến Tre lần III năm 2012 hướng tập trung vào các giá trị và hiệu quả cho cộng đồng, đặc biệt là tôn vinh những người nông dân trồng dừa và các doanh nghiệp chế biến sản xuất các sản phẩm dừa, nỗ lực tìm kiếm một giải pháp tổng thể cho việc quy hoạch và phát triển cây dừa trên lộ trình hội nhập và phát triển bền vững của Bến Tre.
* Để festival tạo được ấn tượng trong lòng công chúng, chắc hẳn anh đã chuẩn bị rất kỹ kịch bản chương trình, cũng như những điểm nhấn tạo dấu ấn riêng? Lễ khai mạc và bế mạc của festival lần này có gì đặc biệt không?
* Kịch bản của chương trình được chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng trong nhiều tháng với rất nhiều cuộc họp ban chỉ đạo và ban tổ chức của festival để thuyết trình, phản biện, bảo vệ thẳng thắn và cùng đồng thuận ra quyết định cho từng tiết mục nghệ thuật, từng ca sĩ, nghệ sĩ tham gia chương trình, sao cho phù hợp và hiệu quả nhất. Lễ khai mạc và bế mạc của Festival Dừa Bến Tre lần III năm 2012 được tổ chức trên sân khấu nổi hồ Trung Giang tại khu trung tâm của Bến Tre. Đó là một sân khấu được thiết kế rất công phu như một tác phẩm mỹ thuật sắp đặt trong tổng thể không gian văn hóa dừa trên mảnh đất của 3 dải cù lao xanh mát với những cây cầu mới xây không chỉ kết nối Bến Tre với các tỉnh đồng bằng mà còn là niềm tự hào rất mộc mạc và bình dị của người dân nơi này.
* Là một đạo diễn “chuyên trị” về các chương trình festival, vậy lần này anh có sợ mình sẽ… hết “chiêu, trò” trong dàn dựng không? Đặc biệt là trong thời điểm này, cùng lúc anh phải chuẩn bị cả Festival Dừa Bến Tre và Festival Huế 2012…
* Tôi chẳng bao giờ sợ mình hết “chiêu, trò” bởi vì “chiêu, trò” chưa bao giờ là phương tiện cho tôi hành nghề với tư cách là một đạo diễn. Tôi thích làm festival vì tôi được đi nhiều nơi và gặp gỡ nhiều người, học thêm nhiều điều rất mới lạ. Chẳng ai dám nói mình đã thực sự hiểu hết quê hương mình! Ở mỗi một địa phương mình lại học hỏi thêm được rất nhiều điều mới lạ và bổ ích từ con người và văn hóa bản địa. Và mỗi lần học thêm được điều gì mới thì cảm xúc mới và ý tưởng mới sẽ đến để mình sáng tạo và dàn dựng chương trình mà không một thứ “chiêu, trò” nào có thể thay thế được. Tôi rất coi trọng cảm xúc cá nhân của riêng tôi khi bắt đầu tiếp cận một chương trình. Khi mình thấy rung động thì chương trình sẽ hay, lạ và ngược lại. Huế và Bến Tre có thổ nhưỡng, lịch sử, văn hóa và tính cách con người rất khác nhau, cũng như rất khác với các địa phương khác tôi đã từng tới. Mỗi nơi đem tới cho tôi một rung cảm mới, một khám phá mới, một tình yêu mới với đất nước và con người Việt Nam mình.
* Anh thường khai thác, sử dụng rất nhiều trống trong dàn dựng, trong Festival Dừa Bến Tre sẽ thế nào, chắc hẳn cũng không ngoại lệ?
* Tôi rất thích nghệ thuật trống và các bộ gõ vì tôi thực sự cảm thấy trong những âm thanh ấy cô đọng hào khí và tâm hồn của dân tộc mình. Chính vì vậy tôi đã ấp ủ nhiều năm để xây dựng chương trình Festival Trống và các nhạc cụ gõ mang tên “Âm vang hào khí Việt” tại Festival Huế năm nay và đồng thời phát triển ý tưởng này thành một phong trào quyên góp trống cho các trường học mang tên “Tiếng trống đón em tới trường”. Ở Festival Dừa Bến Tre lần III năm 2012 tôi chỉ sử dụng trống như một yếu tố phụ trợ tạo không khí của một ngày hội chứ không phải làm điểm nhấn nghệ thuật.
* Thông điệp anh muốn chuyển tải đến công chúng là gì?
* Nếu các bạn để ý sẽ thấy du khách nước ngoài, đặc biệt từ các nước châu Âu, châu Mỹ và châu Úc, khi tới Việt Nam họ thích thú và yêu thích hoa trái của Việt Nam tới nhường nào. Tôi đã từng có lần thấy nhiều du khách nâng niu trái dừa xiêm, trái xoài, trái thanh long trên tay ngắm nghía tiếc rẻ không muốn ăn. Vậy mà sao người nông dân trồng hoa trái của mình vẫn nghèo, vẫn cực? Cho nên thông điệp của Festival Dừa Bến Tre lần III năm 2012 chính là làm thế nào để người nông dân trồng dừa có thu nhập và đời sống cao hơn, các doanh nghiệp sản xuất và chế biến dừa phát triển bền vững hơn.
* Có bao nhiêu diễn viên, đoàn nghệ thuật dân gian được anh quy tụ tham gia trình diễn ở Festival Dừa Bến Tre?
* Có gần 2.000 diễn viên chuyên nghiệp và không chuyên, các nghệ nhân và nông dân trồng dừa ưu tú được quy tụ tham gia trong các chương trình khai mạc, lễ hội đường phố, bế mạc, triển lãm sắp đặt Con đường dừa và các hoạt động văn hóa cộng đồng. Nhiều ngôi sao ca nhạc và các nghệ sĩ nổi tiếng của TPHCM cũng sẽ tham gia biểu diễn ở festival này.
* Trong quá trình chuẩn bị anh có bị áp lực?
* Khi dàn dựng các festival lớn luôn luôn gặp phải không áp lực này thì áp lực khác. Và áp lực lớn nhất của tôi là làm sao để những chương trình mình dàn dựng thực sự có ích cho cộng đồng, thực sự đem tới niềm vui và ý nghĩa cho tất cả những người đang kỳ vọng vào công việc mình làm.
ĐỖ HẠNH (thực hiện)