Festival Huế 2012 - Mở ra nhiều cơ hội mới

Lỗ trước mắt, lãi lâu dài
Festival Huế 2012 - Mở ra nhiều cơ hội mới

Festival Huế 2012 chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển – Nơi gặp gỡ các thành phố lịch sử” bế mạc vào tối 15-4 tại sân khấu Kỳ đài Phu Văn Lâu bằng chương trình nghệ thuật đặc sắc, hội ngộ tinh hoa văn hóa 5 châu lục. Lần thứ 7 tổ chức festival, nhiều người bàn chuyện lỗ lãi về sự kiện văn hóa này, nhưng trên hết là nó mở ra nhiều cơ hội mới.

Khán giả thỏa sức xem các nghệ sĩ biểu diễn nghệ thuật trên đường Hùng Vương (TP Huế) dịp Festival.

Khán giả thỏa sức xem các nghệ sĩ biểu diễn nghệ thuật trên đường Hùng Vương (TP Huế) dịp Festival.

Lỗ trước mắt, lãi lâu dài

Mỗi kỳ festival, ban tổ chức chi hàng chục tỷ đồng cho các hoạt động trước, trong và sau lễ hội. Trong đó, 60% lấy từ kinh phí các nhà tài trợ, số còn lại là ngân sách địa phương. Tiền thu được từ bán vé xem biểu diễn nghệ thuật và các khoản thu khác đạt trên dưới 3 tỷ đồng. Lấy thu trừ chi thì Festival Huế lỗ to. Ông Ngô Hòa, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, Trưởng ban tổ chức Festival Huế 2012, cho rằng: Chưa một quốc gia nào tổ chức sự kiện quảng bá văn hóa mà có lợi nhuận từ tiền bán vé. Hiệu quả kinh tế Festival Huế phải tính toán theo một cách khác, không đơn thuần 1+1 phải bằng 2.

Từ khi có Festival Huế vào năm 2000, nhã nhạc cung đình, ca Huế, diều Huế, nón Huế, áo dài Huế... mỗi năm ít nhất có sáu, bảy lần đến các liên hoan nghệ thuật quốc tế ở các nước. Ngược lại, Festival Huế thu hút hàng trăm chương trình nghệ thuật 5 châu lục, trở thành điểm hẹn di sản văn hóa và nghệ thuật đương đại Huế, Việt Nam và nhiều nền văn hóa khác trên thế giới. Festival Huế 2000 có 200 gian hàng trưng bày thì Festival Huế 2012 đã đến hơn 600 gian hàng. Hàng trăm doanh nghiệp trong và nước ngoài đã mang hàng hóa chất lượng cao đến với hội chợ và được khách hàng ưa chuộng. Đây là cơ hội tốt nhất cho Thừa Thiên - Huế hội nhập và phát triển.

Tại Festival Huế 2012, người dân được hưởng lợi nhiều nhất khi không mất tiền vẫn thỏa sức xem nghệ thuật; các triển lãm mỹ thuật, thư pháp, nhiếp ảnh… mở cửa miễn phí cả ngày lẫn đêm. Nghệ thuật đường phố diễn ra liên tục trong các ngày tại thành phố Huế cũng làm cho người dân và du khách tham dự Festival Huế 2012 đủ “no” con mắt.

Các nghệ sĩ Hàn Quốc biểu diễn phục vụ khán giả tại Festival Huế 2012.

Các nghệ sĩ Hàn Quốc biểu diễn phục vụ khán giả tại Festival Huế 2012.

Có tiền chưa dễ mua được

Ông Nguyễn Duy Hiền, Giám đốc Trung tâm Festival Huế, cho rằng: Nếu tính một cách sòng phẳng, Festival Huế không lỗ. Lâu nay, ban tổ chức không tính các khoản chi phí cho thù lao, đi lại... cho tất cả các đoàn nghệ thuật trong và ngoài nước. 100% các đoàn nghệ thuật đẳng cấp quốc tế đến với Festival Huế đều tự tìm kiếm kinh phí đi lại và sinh hoạt hàng ngày trong thời gian biểu diễn. Ban tổ chức chỉ hỗ trợ chỗ ở. Ngoài ra, khoản chi ra không phải phục vụ riêng festival mà còn chi phục hồi di sản văn hóa phi vật thể.

* Năm 2012, Thừa Thiên - Huế dự kiến đón từ 2 - 2,5 triệu lượt khách du lịch, tăng 17% so với năm 2011, trong đó từ 1 - 1,2 triệu lượt khách quốc tế, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước và khách nội địa tăng 18% so với cùng kỳ năm 2011. Tổng doanh thu du lịch năm 2012 dự kiến đạt trên 2.500 – 3.000 tỷ đồng, tăng trên 30% so với năm 2011.

Cố vấn Tổng Giám đốc UNESCO tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương Richard Enghenhart, nhận xét: Di sản văn hóa Huế làm nền tảng cho festival, ngược lại festival làm cho di sản Huế đến được nhiều hơn với công chúng. Lễ hội tại festival trở thành sản phẩm du lịch thì di tích gắn với lễ hội được Nhà nước và các chính phủ, tổ chức quốc tế hỗ trợ về kinh phí và kỹ thuật trùng tu, phục chế. Trong đó, một số phế tích như đàn Xã Tắc, Khu tưởng niệm anh hùng Quang Trung... được phục hồi nguyên vẹn.

Giám đốc nghệ thuật Jose Calarco, Trưởng đoàn múa thổ dân Úc, cho biết qua Festival Huế, văn hóa thổ dân Úc có cơ hội được quảng bá, giao thoa và gắn kết với các quốc gia trên thế giới, góp phần xây dựng tình hữu nghị và gìn giữ hòa bình trên hành tinh xinh đẹp này. Sau chương trình nghệ thuật “Trở về từ trường học” do nhóm nghệ sĩ François Audrain (Pháp) biểu diễn cho học sinh và hàng trăm khán giả là cư dân vạn đò, nghệ sĩ François Audrain trưởng nhóm, chia sẻ: “Dù đã biểu diễn ở rất nhiều sân khấu nghệ thuật đẳng cấp quốc tế nhưng chưa lần nào lại gợi cho tôi cảm xúc đặc biệt thế này. Đây là một sân khấu bất đắc dĩ, nhưng nó lại gần gũi, chân thật biết bao… Cùng với các mệ, các cô gái Huế chèo đò, thả lưới làm nền lễ hội Thiên hạ thái bình tại sân khấu nghệ thuật nổi trên mặt nước sông Hương – lễ hội “đinh” tại Festival Huế 2012, người Huế đã tạo cho các nghệ sĩ, du khách sự gần gũi...”.

Anh Hồ Văn Linh, một du khách tham quan đến từ Quảng Trị cho biết: “Theo tôi, Festival Huế 2012 không chỉ quyến rũ du khách bởi quy mô tổ chức hoành tráng chuyên nghiệp mà còn ở yếu tố dân tộc, tôn vinh nhiều giá trị văn hóa các vùng miền, nhiều quốc gia khác nhau. Các chương trình nghệ thuật sân khấu, biểu diễn nghệ thuật trên đường phố của các nước Đông Á, châu Âu, Mỹ Latinh đã khẳng định chất lượng các chương trình nghệ thuật quốc tế tại Festival Huế 2012. Ngoài những cái được thì chúng tôi hơi tiếc bởi việc bố trí các chương trình quá dày đặc khiến du khách không thể tham dự hết…”.

Có thể nói, nhờ festival mà cơ sở hạ tầng thành phố Huế, sân bay, bến cảng… được quan tâm chỉnh trang, nâng cấp nhiều hơn. Đó là cơ sở để Chính phủ cho phép xây dựng Huế trở thành thành phố festival của Việt Nam.

>> Ông Ngô Hòa, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, Trưởng ban tổ chức Festival Huế 2012 cho rằng sự thành công của Festival Huế 2012 tác động tích cực đến sự phát triển du lịch. Ông cho biết:

Đến giờ Festival Huế 2012 đã đạt được những thành công nhất định với nhiều lễ hội có quy mô lớn. Đêm khai mạc hoành tráng, lộng lẫy và an toàn, thể hiện được chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển”, khán giả tham gia đông nhất từ trước tới nay. Bên cạnh đó, các hoạt động cộng đồng và chương trình hưởng ứng Festival Huế 2012 diễn ra liên tục từ thành phố đến các miền quê như Chợ quê ngày hội ở cầu ngói Thanh Toàn, Hương xưa làng cổ ở Phước Tích, huyện Phong Điền và một chuỗi các hoạt động nghệ thuật, triển lãm tranh, thư pháp ở thành phố Huế, dọc hai bên bờ sông Hương… tạo nên bầu không khí lễ hội tấp nập.

Thành công của Festival Huế đã tạo cú hích lớn cho chuỗi sự kiện trong Năm du lịch quốc gia, từ đó “kích thích” không những du lịch của Thừa Thiên-Huế, mà còn của cả vùng bằng những sự kiện văn hóa đặc sắc. Festival 2012 đã nối kết giữa Huế trong lịch sử và Huế hiện tại để khẳng định một Huế tương lai, đồng thời khai thác tốt tiềm năng du lịch việc nối kết giữa du lịch tỉnh Thừa Thiên- Huế với các tỉnh trong vùng, Việt Nam và thế giới.

Festival Huế 2012 cũng là một trong những chương trình mở màn trong việc thực hiện chiến lược phát triển du lịch từ chiều rộng sang chiều sâu, gắn kết di sản làm cho tài nguyên di sản trở thành điểm đến hấp dẫn, có tính cạnh tranh. Festival Huế 2012 đang mở ra cho Huế những quan hệ hợp tác mới, những cơ hội mới, nhất là trong lĩnh vực giao lưu văn hóa quốc tế, phục vụ phát triển kinh tế địa phương, nhất là kinh tế du lịch vốn là thế mạnh của Huế là tiền đề cho sự thành công Năm du lịch quốc gia. Người dân Huế đang mạnh dạn tham gia vào cơ hội này.

Văn Thắng - Phan Lê

Tin cùng chuyên mục