Festival Huế 2018: Hội tụ tinh hoa văn hóa thế giới

Festival Huế - sự kiện văn hóa du lịch đầy bản sắc này đã hòa quyện giữa lịch sử và hiện tại để khẳng định về một Huế tương lai, về sự kết nối giữa Huế nói riêng và Việt Nam nói chung với bạn bè quốc tế...
Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, Trưởng ban Tổ chức Festival Huế lần thứ X-2018.
Festival Huế 2018: Hội tụ tinh hoa văn hóa thế giới ảnh 1 Ông Nguyễn Dung
- PHÓNG VIÊN: Thưa ông, Festival Huế 2018 có gì mới so với những kỳ trước?>> Ông NGUYỄN DUNG: Festival Huế luôn giữ vững định hướng của tỉnh đề ra từ kỳ đầu tiên đến nay là giới thiệu được bản sắc và các giá trị văn hóa Huế, văn hóa Việt Nam, nhưng cách thể hiện và cấu trúc chương trình, không gian diễn xướng thì mỗi kỳ mỗi mới. Năm nay, với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển - Huế 1 điểm đến 5 di sản” Festival Huế lần thứ X diễn ra từ ngày 27-4 đến ngày 2-5-2018 là sự kế thừa và khẳng định thành công của các kỳ festival trước đây; nơi hội tụ, giao lưu nghệ thuật giữa nền văn hóa của nhiều quốc gia khắp các châu lục, nhằm tiếp tục đẩy mạnh quan hệ giao lưu quốc tế; giới thiệu quảng bá những giá trị văn hóa Huế, văn hóa Việt Nam đặc sắc. Đẩy mạnh phát triển dịch vụ - du lịch, phát triển kinh tế - xã hội của Thừa Thiên - Huế trong tiến trình chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Festival Huế 2018 còn gắn kết với các sự kiện chính trị, lịch sử văn hóa của tỉnh và quốc gia trong năm 2018, như kỷ niệm 50 năm Tổng tiến công nổi dậy Xuân Mậu Thân; 230 năm sự kiện Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế tại núi Bân; 25 năm quần thể Di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới; 15 năm âm nhạc cung đình Huế được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Festival Huế 2018 được tổ chức với quy mô quốc gia và quốc tế. Hiện nay, Cố đô Huế có 5 Di sản thế giới được UNESCO công nhận (quần thể di tích Cố đô Huế - 1993, Nhã nhạc Cung đình Huế - 2003, Mộc bản triều Nguyễn - 2010, Châu bản triều Nguyễn - 2014, Thơ văn trên kiến trúc Cung đình Huế - 2016). Mới đây, Thừa Thiên - Huế cùng 11 tỉnh thành khác là chủ sở hữu một di sản vừa mới được UNESCO công nhận là nghệ thuật Bài Chòi; hai di sản phi vật thể cấp quốc gia là ca Huế và Dệt Dèng (A-Lưới). Đây là nguồn tài nguyên văn hóa đa dạng, đặc trưng để giới thiệu với công chúng và bạn bè quốc tế. - Lần thứ 10 tổ chức Festival Huế, nhiều người bàn chuyện lỗ lãi về việc tổ chức sự kiện văn hóa mang tầm quốc tế này? Chưa một quốc gia nào tổ chức sự kiện quảng bá văn hóa mà có lợi nhuận từ tiền bán vé. Mỗi kỳ festival hàng trăm ngàn lượt du khách từ hàng trăm quốc gia và vùng lãnh thổ đến Huế. Đó là sức lan tỏa văn hóa, không dễ bỏ tiền ra mua được. Trong đó, từ khi có Festival Huế, nhã nhạc cung đình, ca Huế, diều Huế, nón Huế, áo dài Huế... mỗi năm ít nhất có 6-7 lần đến với các sự kiện chính trị quan trọng, như liên hoan nghệ thuật quốc tế ở các nước. Festival Huế thu hút hàng trăm chương trình nghệ thuật khắp năm châu lục, trở thành điểm hẹn di sản văn hóa và nghệ thuật đương đại ở Huế, Việt Nam. Thương hiệu Festival Huế góp phần quảng bá tiềm năng du lịch Cố đô Huế, làm tăng sức hấp dẫn đối với bạn bè các nước. Qua festival, người dân Huế có nhiều cơ hội tiếp xúc với du khách nước ngoài, các tổ chức, chuyên gia kinh tế du lịch, nắm bắt nhu cầu và khơi gợi cảm hứng cho những sản phẩm lưu niệm mang bản sắc văn hóa Huế. Dòng người đổ về tham dự các sự kiện, nghi lễ truyền thống tại Festival Huế đã có dịp thấy lại hình ảnh quen thuộc, được hòa mình trong không khí trang nghiêm của các lễ hội cung đình, lễ hội dân gian được dày công tôn tạo, gìn giữ và phát triển trong đời sống, trên một phương diện mới và vị trí mới.
Festival Huế 2018: Hội tụ tinh hoa văn hóa thế giới ảnh 2 Tưng bừng lễ hội đường phố tại Festival Huế
- Xin ông cho biết quan hệ giữa Festival Huế và di sản Huế?  Festival Huế được tổ chức chính là một minh chứng cho sự thành công mà Huế đã đạt được trong việc phục hồi các công trình kiến trúc, các giá trị văn hóa truyền thống... Di sản văn hóa Huế làm nền tảng cho festival, ngược lại festival khiến di sản đến được nhiều hơn với công chúng qua các lễ hội truyền thống... Lễ hội trở thành sản phẩm du lịch thì di tích gắn với lễ hội càng được nhà nước, các chính phủ, tổ chức quốc tế hỗ trợ mạnh mẽ để trùng tu, phục chế. Nhiều di tích tưởng chừng mai một đã được phục hồi nguyên vẹn. Thành công tại các kỳ festival là cơ sở để Chính phủ cho phép xây dựng Huế trở thành thành phố festival của Việt Nam. Festival Huế mở ra những cơ hội hợp tác hữu nghị, cùng xây dựng một thế giới hòa bình và thịnh vượng trên nền tảng văn hóa đa sắc màu. - Công tác kêu gọi xã hội hóa trong Festival Huế 2018 được triển khai ra sao, thưa ông?  Liên tục các kỳ festival đều được sự tài trợ của các quốc gia, tổ chức phi chính phủ, của nhiều doanh nghiệp. Đặc biệt từ Festival Huế 2012 đến nay, ban tổ chức luôn nhận được mức tài trợ vượt trội. Điều này đã chứng tỏ thương hiệu Festival Huế. Với Festival Huế 2018, ban tổ chức đã làm việc với nhiều đối tác ở Hà Nội, TPHCM và một số đơn vị trong tỉnh để kêu gọi tài trợ. Ngoài ra, Festival Huế 2018 còn đẩy mạnh công tác xã hội hóa bằng cách vận động các đoàn nghệ thuật chủ động lo liệu các chi phí liên quan đến đi lại, lưu trú, phương tiện biểu diễn..., tạo cơ chế để các cá nhân, tổ chức kêu gọi kinh phí hỗ trợ cho các chương trình nghệ thuật tham gia festival. Điểm mới là ban tổ chức duyệt trước nội dung các chương trình nghệ thuật tham gia, đối tác tự lo kinh phí tổ chức, UBND tỉnh tạo cơ chế để các đơn vị thuận lợi hơn trong quá trình vận động, kêu gọi tài trợ.

Tin cùng chuyên mục