Từ năm 2005, Sở Tài nguyên - Môi trường TP (TN-MT) đã từng có công văn gởi các cơ quan ban ngành liên quan, nhất là Sở Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Kế hoạch - Đầu tư yêu cầu không cấp phép đầu tư những doanh nghiệp không đáp ứng tiêu chuẩn về môi trường.
Mục đích của yêu cầu này nhằm gác cửa, ngăn chặn từ đầu những hành vi vi phạm môi trường sẽ phát sinh trong tương lai - khi các doanh nghiệp này đi vào hoạt động. Thế nhưng, bất chấp yêu cầu trên của Sở TN-MT, đến nay việc cấp phép hoạt động cho các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực vẫn chưa áp dụng yêu cầu này.
Đơn cử, đối với phòng khám tư nhân, Thông tư số 07 của Bộ Y tế chỉ quy định phải “bảo đảm các điều kiện xử lý chất thải và vệ sinh môi trường”. Quy định này được cho là còn chung chung nên khi cấp đổi, cấp phép mới, gia hạn giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề cho các phòng khám tư nhân, Sở Y tế đã không có những yêu cầu cụ thể về hệ thống xử lý nước thải. Vì thế các phòng khám tư nhân không có hệ thống xử lý nước thải hoặc có nhưng không đạt tiêu chuẩn vẫn được cấp phép hoạt động. Tương tự, trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, công nghiệp, việc cấp phép kinh doanh cũng không hề xét đến yếu tố đảm bảo tiêu chuẩn về môi trường hay không?
Trước thực tế đó, Bộ TN-MT đã ban hành quy định buộc các doanh nghiệp phải có đánh giá tác động môi trường, tức là doanh nghiệp phải lập phương án xử lý chất thải khi đầu tư hoạt động nhà máy của mình trước khi đầu tư. Thế nhưng, kết quả hậu kiểm về yêu cầu trên vừa qua cho thấy có đến 90% doanh nghiệp không đạt yêu cầu. Rất nhiều doanh nghiệp đến nay vẫn chưa biết lập đánh giá tác động môi trường là gì. Hoặc doanh nghiệp có làm đánh giá tác động môi trường nhưng chỉ là hình thức nhằm qua mặt các cơ quan chức năng. Còn thực tế họ không đầu tư như phương án đã đưa ra.
Chính sự lỏng lẻo từ khâu gác cửa nên khâu giải quyết hậu quả ô nhiễm môi trường hiện nay rất khó khăn. Hầu hết các kênh rạch nội, ngoại thành của thành phố đều ô nhiễm ở mức nghiêm trọng nếu không muốn nói là những con kênh chết. Bản thân cơ quan chức năng liên quan đến xử lý hành vi vi phạm môi trường luôn ở tình trạng quá tải. Toàn thành phố hiện có khoảng hơn 100 cán bộ quản lý môi trường.
Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp hiện đã lên đến 150.000. Chỉ như vậy thôi thì việc kiểm tra cuối nguồn số doanh nghiệp hiện tại cũng đủ làm cán bộ quản lý môi trường quá sức chịu đựng. Vậy nếu ngay từ khâu gác cửa, các cơ quan chức năng không quyết liệt hơn thì hỏi đến bao giờ vấn nạn gây ô nhiễm môi trường của doanh nghiệp mới có thể ngăn chặn được.
ÁI VÂN