Trở lại kênh Ba Bò những ngày này, chúng tôi không khỏi buồn khi bắt gặp nhiều ánh mắt nghi ngại của người dân sống ở nơi đây.
Nhiều người không kiềm chế sự bức xúc khi nói rằng: “Lại các cô cậu nhà báo xuống viết bài về thực trạng ô nhiễm kênh Ba Bò phải không? Không biết các cô cậu viết kiểu gì mà nước kênh ô nhiễm đâu cũng hoàn đấy”. Nhiều người trong số chúng tôi cũng ngại khi lại hỏi người dân vì thực trạng ô nhiễm của kênh Ba Bò trong một vài tháng qua. Bởi lẽ có hỏi thì vẫn là những câu trả lời: nguồn nước vẫn một màu đen đặc quánh, vẫn mùi hôi hăng hắc rất đặc trưng.
Còn nguồn nước ngầm mà người dân nơi đây đang sử dụng vẫn nhuộm vàng khè chiếc khăn trắng mỗi khi lọc qua nước. Vậy một câu hỏi được đặt ra là tại sao nguồn nước kênh Ba Bò vẫn ô nhiễm dai dẳng hàng chục năm qua? Phải chăng các cơ quan chức năng không thể xác định nguồn thải gây ô nhiễm?
Đáng tiếc là không phải như thế. Trước đây, sông Thị Vải bị chết hơn 10km trong nhiều năm. Các cơ quan chức năng cũng nói là do ô nhiễm từ nước thải của các nhà máy sản xuất. Tuy nhiên, nhận định này chỉ mang tính chung chung nên không biết cách nào để cải thiện con sông này. Cho đến khi tàu nước ngoài từ chối cập cảng Cái Mép Thị Vải thì các cơ quan chức năng mới giật mình vào cuộc. Thế là một hệ thống xả thải ngầm của Công ty TNHH Vedan nhanh chóng được phơi bày. Sông Thị Vải đã được hồi sinh. Vậy khi nhìn lại kênh Ba Bò thì thấy các cơ quan chức năng không quá khó và mất sức để xác định nguồn thải gây ô nhiễm của con kênh này như sông Thị Vải.
Bản thân tỉnh Bình Dương và TPHCM đã xác định rõ đó là do nước thải từ 3 khu công nghiệp: Sóng Thần 1, 2 và Đồng An thải ra. Thời gian thải vào ban đêm nhiều hơn ban ngày. Nguyên nhân cũng rất rõ là do hệ thống xử lý nước thải của các đơn vị này chưa đảm bảo công suất. Thế nhưng, không hiểu sao các cơ quan chức năng lại “từ chối” không can thiệp xử lý? Kết quả là người dân ở nơi đây lãnh đủ. Nhiều hộ dân vì không thể sống chung với dòng kênh này và vì quá lo cho sức khỏe của mình đã phải tự đi thuê nơi khác sinh sống.
Năm 2003, để cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân trên địa bàn, UBND TPHCM đã thành lập Ban chỉ đạo di dời cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường. Nhiệm vụ của thành viên ban này là rà soát, lập danh sách di dời những cơ sở sản xuất gây ô nhiễm vào khu sản xuất tập trung. Hơn 1.600 cơ sở sản xuất đã phải di dời hoặc chuyển đổi sản xuất sang ngành nghề không phát sinh ô nhiễm.
Thế nhưng, trong khi ban chỉ đạo di dời đã và đang phải giải quyết cho hậu của việc cấp phép kinh doanh không tuân thủ Luật Bảo vệ môi trường thì những đơn vị cấp phép đầu tư vẫn tiếp tục cấp phép thành lập những doanh nghiệp, khu chế xuất, khu công nghiệp tái phát sinh ô nhiễm cao. Và sự ô nhiễm kênh Ba Bò hay ở phường Đông Hưng Thuận, quận 12 là những trường hợp cụ thể đáng lo của việc gác cửa ô nhiễm không chặt. Và nếu tình trạng gác cửa này không sớm siết chặt, việc xử lý các doanh nghiệp gây ô nhiễm không triệt để thì có lẽ thành phố phải tính đến phương án thành lập ban di dời người dân thay vì di dời cơ sở ô nhiễm như trước đây?!
MINH XUÂN