Gạch lát nền

Mới chỉ vào khoảng những năm 1970 thôi, nhiều ngôi làng quanh Hà Nội vẫn chưa có gạch lát nền nhà. Nghĩa là từ thời tiền sử đến bấy giờ ngôi nhà vẫn chỉ là nền đất. Nhà nào làm ăn khá giả dành dụm được ít tiền thì việc đầu tiên người ta nghĩ đến là mua gạch về lát mảnh sân trước nhà làm nơi phơi nông sản. Trẻ con coi nền đất như một thứ đồ chơi tiện dụng có sẵn. Chúng nhặt hạt trám chặt đôi đóng xuống đất làm bàn cờ chân chó, làm bàn chơi ô ăn quan. Và tìm mảnh bát vỡ gắn lên nền nhà những hình hoa trang trí.

Nền nhà đất cùng với chân trần đi làm ruộng về rửa qua loa ngoài cầu ao bước vào mát lịm. Chập tối hai xoa một đập lên giường đánh giấc ngon lành. Tiết kiệm đèn dầu và cũng là bảo vệ sức khỏe. Ba giờ sáng lại thả chân xuống đất đi thẳng ra giếng vo gạo bắc nồi thổi cơm bữa sáng trước khi ra đồng.

Nội thành Hà Nội lúc ấy đã gần như hoàn toàn nhà nền gạch. Chỉ còn đôi ba chỗ vùng ven đại khái ngoài đê, dưới Lương Yên, trên Yên Phụ, ngoài Giảng Võ… mới còn nhà nền đất.

Gạch lát nền nhà trong phố chia làm nhiều loại nhưng thực ra chỉ có hai loại chính. Những nhà cổ lát gạch đỏ vuông 20cm sẫm màu mát mắt. Người ta lát kín trong nhà kể cả sân giếng trời theo kiến trúc nhà ống Hà Nội xưa. Người sống trong nhà cổ Hà Nội lát gạch đỏ không có thói quen bỏ guốc dép ngoài cửa. Cũng chẳng mấy khi lau nhà nên cùng lắm chỉ thay đôi dép đi đường bằng đôi guốc mộc lộp cộp trên nền gạch. Cái tiếng guốc lộp cộp trong nhà ấy nghe quen tai đến mức buổi tối mất điện vẫn biết ai là người đang đi lại. Tiếng guốc cùn lẹp kẹp là của mẹ, của bà. Tiếng đanh giòn rắn rỏi khoan thai là của bố, của ông. Tiếng lắt nhắt láu táu là của con gái nhỏ. Tiếng lạo xạo kim loại là của thằng anh nó mới lớn đã biết nhặt nút chai bia về đập bẹt đóng thêm vào gót guốc.

Các biệt thự Pháp lát gạch hoa xi măng mang từ Pháp sang. Chất gạch bóng bẩy đanh mặt. Hoa hoét mấy màu phối hợp rườm rà. Gạch của nhà máy An Dương xỉn màu và họa tiết kỷ hà đơn giản hơn nhiều. Đã thế vật liệu khan hiếm nên người ta dùng ít xi măng. Lau được cái nền nhà này cho sáng bóng quả không phải là chuyện đơn giản. Thế nhưng người ở trong các khu tập thể Nguyễn Công Trứ, Kim Liên dù vất vả cũng phải cố lau cho cái nền nhà sạch bóng. Căn hộ chật chỉ trên dưới 20m2 thì nền nhà luôn phải đóng vai trò chiếc bàn ăn và đôi khi giường ngủ. Dĩ nhiên cả người ở trong biệt thự và người ở nhà tập thể nếu nền nhà lát gạch hoa đều bỏ dép ngoài cửa. Thói quen này của người Hà Nội còn tồn tại cho đến bây giờ. Khách khứa đến chơi nhà ai bao giờ cũng nhướng mắt nháo nhác chờ chủ nhà cho ý kiến về việc dép giày. Giày cao cổ buộc dây dài hàng mét cũng nên ngồi xuống cặm cụi tháo ra nếu như không muốn bà chủ nguýt dài khinh khỉnh. Bà ấy sẽ không ngần ngại đêm về thỏ thẻ với chồng mình “Cái lão ấy nhà quê thật đấy, giày với chả dép cứ thế là…!”.

Nền nhà biệt thự các tầng trên thường lát sàn gỗ lim. Vật liệu sẵn có trong nước rẻ hơn lát gạch hoa nhập khẩu. Và độ sang trọng tất nhiên tăng lên rất nhiều. Cũng một phần còn bởi công nghệ bê tông ngày ấy còn thô sơ đắt đỏ. Nhưng sàn lát gỗ theo kỹ thuật gác dầm lúc ấy có một nhược điểm lớn. Đó là tiếng ồn. Nếu như một gia đình ở cả biệt thự thì còn có thể nhắc nhau ý tứ giữ gìn được. Hà Nội sau hòa bình năm 1954 từ cấp thứ trưởng trở xuống đều phải sống chung trong các biệt thự. Vài bác một ngôi. Tầng trên, tầng dưới cũng ỏm tỏi như dân thường.

Khoảng chục năm trở lại đây nhà cửa Hà Nội đã có những thay đổi rõ rệt. Có vẻ như triết lý nền móng căn bản đã được phổ cập? Nhà mới xây chọn những mẫu gạch mới nhất có thể để lát nền. Thường là gạch ceramic nhập khẩu. Gạch trong nước nhập toàn bộ dây chuyền sản xuất và nguyên vật liệu cũng tạm thời cạnh tranh được về giá cả tuy mẫu mã màu sắc có nghèo nàn hơn chút ít. Những nhà cũ phần lớn đã cạy gạch từ thời bao cấp lên lát lại bằng gạch mới tinh tươm. Gạch lát nền nhiều đến nỗi người ta đã có thể mang ra lát toàn bộ bề mặt mộ chí ngoài nghĩa trang. Vài người tự tin đến mức còn mang gạch lát nền ra ốp lên toàn bộ mặt tiền ngôi nhà mới xây của mình. Cũng có nhà thiết kế nội thất cửa hiệu cho lát nền bằng gạch đen bóng khiến các cô mặc váy bước vào được phen hết hồn.

Nhà riêng trong phố phần lớn đã thoát được việc bỏ dép ngoài cửa. Giờ chỉ còn những chung cư vẫn phải chịu cảnh này. Nhưng cái nếp bỏ giày ngoài cửa giờ lại lan sang chỗ khác. Có vài cửa hàng thời trang trong phố đề biển “Bỏ giày ngoài cửa”. Hà Nội cứ như chẳng thèm chiều ai dù có là thượng đế?

ĐỖ PHẤN

Tin cùng chuyên mục