Gần 1/3 số văn bản hướng dẫn ban hành chậm

Sáng 17-9, UBTVQH cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ và một số cơ quan về kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long báo cáo tại phiên họp. Ảnh: VIẾT CHUNG
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long báo cáo tại phiên họp. Ảnh: VIẾT CHUNG

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) cho biết, phạm vi rà soát lần này là các VBQPPL của các cơ quan Trung ương đang còn hiệu lực tính đến ngày 30-6-2020 (trừ Hiến pháp), tập trung vào các lĩnh vực có tác động trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh.

Kết quả rà soát cho thấy, tổng số văn bản đã được Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ tiến hành rà soát là 8.779 văn bản được ban hành đến hết ngày 30-6-2020, còn hiệu lực, thuộc thẩm quyền ban hành của các cơ quan từ cấp Bộ trở lên.

“Qua đó, đã phát hiện nhiều nội dung quy định trong các văn bản có mâu thuẫn, chồng chéo hoặc bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn”, người đứng đầu Bộ Tư pháp cho biết. Trong số này có 28 nội dung quy định trong 41 văn bản quy phạm pháp luật được nhận định là có mâu thuẫn, chồng chéo; 64 nội dung quy định trong 77 VBQPPL được nhận định là có bất cập, không phù hợp thực tiễn.

Đánh giá chung, ông Lê Thành Long cho biết, hệ thống pháp luật vẫn còn cồng kềnh, phức tạp với số lượng lớn văn bản dưới luật, nhất là văn bản của các bộ, cơ quan ngang bộ. Một số quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn; tính khả thi, tính dự báo chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu “chính xác, phổ thông, rõ ràng, dễ hiểu” theo quy định của Luật Ban hành VBQPPL, dẫn đến việc hiểu, áp dụng không thống nhất… 

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Pháp luật đồng tình với đánh giá của Chính phủ về mâu thuẫn, chồng chéo hay bất cập, không phù hợp thực tiễn theo như phân tích. Tuy nhiên, cơ quan này cho rằng việc đánh giá cần được tiến hành hết sức thận trọng vì có liên quan, tác động đến nhiều mặt xã hội.

Đặc biệt, theo Ủy ban Pháp luật, tình trạng nợ đọng văn bản, mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều giải pháp đôn đốc, chỉ đạo quyết liệt, nhưng so với các năm trước thì số lượng nợ văn bản quy định chi tiết lại có xu hướng tăng lên.

Cụ thể, đến ngày 31-8-2020, còn 32/103 (31%) văn bản nợ chưa ban hành, trong đó có 6 văn bản đã chậm hơn 1 năm. Ngoài các nguyên nhân đã được Chính phủ chỉ ra trong Báo cáo, trong một số trường hợp, việc chậm trễ là do vướng mắc trong các khâu thực hiện thủ tục để ban hành văn bản. Bên cạnh đó, vẫn có một số văn bản được phát hiện có dấu hiệu trái luật qua công tác giám sát của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.

Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị đánh giá đầy đủ hơn nội dung này gắn với các trường hợp cụ thể còn nợ đọng văn bản, làm rõ tác động của việc tự kiểm điểm đối với tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác ban hành văn bản quy định chi tiết; đồng thời, cần có chế tài xử lý trách nhiệm nghiêm khắc hơn theo đúng yêu cầu của nghị quyết của Quốc hội, không nên coi việc không xem xét khen thưởng là hình thức xử lý trách nhiệm.

Đối với công tác kiểm tra văn bản, đề nghị báo cáo cụ thể hơn về số lượng văn bản đã được kiểm tra trong năm qua cũng như kết quả xử lý các văn bản có dấu hiệu trái pháp luật được nêu trong báo cáo.

Tin cùng chuyên mục