Gần 270.000 lượt ý kiến góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

(SGGP).- Ngày 4-4, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Nguyễn Mạnh Hiển đã có buổi làm việc với các bộ, ngành về tổng hợp tiếp thu ý kiến của nhân dân đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

(SGGP).- Ngày 4-4, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Nguyễn Mạnh Hiển đã có buổi làm việc với các bộ, ngành về tổng hợp tiếp thu ý kiến của nhân dân đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Theo Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển, tính đến ngày 2-4, Bộ TN-MT đã nhận được gần 270.000 lượt ý kiến góp ý về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) từ các nguồn hội nghị, hội thảo, website của Văn phòng Quốc hội, Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Bộ TN-MT, Tổng cục Quản lý đất đai và một số tỉnh, thành.

Trong số các ý kiến góp ý, nhiều ý kiến cơ bản tán thành với dự thảo và đánh giá rằng một khi được luật hóa, các quy định của luật sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về đất đai từ trung ương tới địa phương. Ngoài ra, liên quan đến các thủ tục hành chính về đất đai, dự thảo đã có nhiều cải cách, vừa nhằm đảm bảo quản lý tài nguyên đất hiệu quả, vừa đảm bảo dân chủ, công khai minh bạch, chống lãng phí… Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến đề nghị cần nghiên cứu để tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện một số quy định. Đơn cử: nên xây dựng Bộ luật Đất đai thay vì Luật Đất đai, để có thể tập hợp được toàn bộ các quy định pháp luật đất đai, hạn chế ban hành các văn bản dưới luật, nâng cao hiệu lực quản lý về đất đai.

Dự thảo cũng cần khắc phục tình trạng xung đột, mâu thuẫn và chồng chéo giữa các quan hệ pháp luật đất đai ở trong nhiều văn bản luật khác như Luật Dân sự, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh…; xem xét quy định về quyền được thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại ngân hàng ở nước ngoài. Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) dự kiến sẽ được trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 5, khai mạc vào tháng 5 tới.

Chiều cùng ngày, đoàn đại biểu (ĐB) Quốc hội TPHCM đã làm việc với UBND quận Bình Thạnh - TPHCM về tình hình thực hiện Luật Cư trú trên địa bàn.

Theo Thượng tá Phan Văn Chung, Phó Trưởng Công an quận Bình Thạnh, thời gian qua công an quận đã xử phạt hàng ngàn các trường hợp liên quan đến không khai báo tạm trú, bỏ đi không khai báo tạm vắng, chuyển đi chưa được giải quyết đăng ký hộ khẩu (theo quy định phải nhập lại nơi ở cũ, nhưng không nhập lại)… Thậm chí, có hơn 1.000 trường hợp đã qua đời nhưng gia đình chưa thông báo với chính quyền để xóa nhân khẩu.

Tại nhiều nơi, người dân có hộ khẩu thường trú một nơi, thực tế cư ngụ một nơi (không cư ngụ nơi đăng ký thường trú), do vậy, CSKV không quản lý được mà chỉ thông qua khai báo phiếu báo HK04; ít thông tin về quản lý con người, vì họ không cư ngụ tại địa phương, do vậy cũng rất khó khăn trong công tác quản lý nhân hộ khẩu.

Ngoài ra, theo ông Chung, nhiều điều khoản trong luật hiện hành chưa phù hợp với các luật khác như Luật Nhà ở, gây nhiều khó khăn trong việc chứng thực hợp đồng cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đối với người dân...  

ANH PHƯƠNG - HỒNG HIỆP

Tin cùng chuyên mục