Vừa đi công tác về đến phòng làm việc, bác sĩ Phạm Thanh Hiếu, Trưởng Khoa Trung tâm tham vấn hỗ trợ cộng đồng quận 8 (trực thuộc Trung tâm Y tế dự phòng quận 8) thấy một tờ giấy học trò bọc cẩn thận một thiếp mời đám cưới. Đọc qua tên chú rể Trần V.Th. (SN 1978) và cô dâu Nguyễn T.T.N. (SN 1982), bác sĩ Hiếu mỉm cười hạnh phúc. Một cái kết đẹp cho hai bệnh nhân nhiễm HIV lâu năm của trung tâm.
Mỗi ngày, bác sĩ Hiếu và các đồng nghiệp ở Trung tâm tham vấn hỗ trợ cộng đồng quận 8 (gọi tắt là trung tâm) phải thường xuyên xử lý rất nhiều việc như truyền dịch, chích, theo dõi huyết áp, trò chuyện, tư vấn. “Nếu lúc nào cũng căng thẳng, đề phòng lây nhiễm sẽ rất khó làm việc, còn không thì nguy cơ tai nạn nghề nghiệp cũng rất cao. Vì thế, chúng tôi luôn nỗ lực xây dựng hình ảnh Trung tâm như một gia đình, để khi các bệnh nhân đến điều trị, sẽ cảm thấy như đang ở nhà mình hoặc chí ít là được sống trong một môi trường được tôn trọng, chan hòa với nhau” - bác sĩ Hiếu bộc bạch.
Mười năm lăn lộn với các bệnh nhân có H, với người nghiện ma túy, là một điển hình học tập làm theo Bác được Quận ủy quận 8 tuyên dương, nhưng khi kể về mình, bác sĩ Phạm Thanh Hiếu lại bắt đầu bằng ba chữ: Bình thường thôi! Nhưng để có sự “bình thường thôi” ấy, anh đã phải chiến đấu với định kiến nghiệt ngã, với lương tâm… “HIV ư, sợ lắm chứ, mình cũng là con người rất bình thường, con lại còn nhỏ. Thế nhưng, trả lời cho câu hỏi tại sao lại gắn bó với người có H, người nghiện ma túy lâu như vậy thì quả thật cũng không biết phải trả lời sao… Có lẽ, tại cái nghiệp” - bác sĩ Hiếu tâm sự. Trước đây, anh công tác tại Trạm Y tế phường 15 quận 8. Năm 2003, được quận động viên về Trung tâm tham vấn hỗ trợ cộng đồng quận 8. Đến nay, đã gần 4.000 ngày gắn bó với Trung tâm này, anh như một người bạn, người anh, người thân trong gia đình của hơn 1.500 bệnh nhân AIDS, người nghiện ma túy. Theo anh, đức tính hàng đầu của những người công tác tại trung tâm, đặc biệt là các bác sĩ, điều dưỡng là phải rất kiên nhẫn. Kiên nhẫn để chịu đựng vất vả, chịu đựng sự nóng nảy của bệnh nhân, và nguy hiểm hơn là để đối mặt với rủi ro tai nạn nghề nghiệp và cả những định kiến khắt khe của xã hội về căn bệnh chết người...
“Lúc trước, đôi lúc thấy nản tôi cũng muốn bỏ nghề hoặc chuyển đi nơi khác bởi khi đến đâu cũng bị người ta nhận ta mặt, xầm xì: ổng chuyên điều trị bệnh nhân AIDS đó, không khéo thì… Đến trường đưa đón con, cô giáo cũng nhận ra, phụ huynh cũng vậy và cố ý né tránh. Tội tình gì ở lại cái nơi nghiệt ngã này? Đi!”. Những ý nghĩ như thế này đã không ít lần len lỏi trong đầu anh. Nhưng rồi, khi đến bệnh viện, gặp các bệnh nhân, nhìn các bạn chờ đợi để được tư vấn, điều trị, có những ánh mắt đã đục ngầu vì sương gió cuộc đời lại ánh lên tia hy vọng, anh lại mềm lòng…
Cũng có những ca bệnh mà anh không bao giờ quên. Ngày N. tới để được tư vấn, ánh mắt buồn bã, trầm uất của N. ám ảnh anh. Cảm giác bế tắc, mất niềm tin của N. phải mất thời gian khá lâu mới được hóa giải dần. Công tác ở quận đội, là đảng viên trẻ, ngày tổ chức gọi lên bổ sung hồ sơ để cất nhắc lên vị trí công tác khác cao hơn thì kết quả xét nghiệm dương tính với HIV (lây nhiễm từ cô bạn gái) cũng là lúc những ước mơ tươi đẹp phía trước của N. khép lại. Nhờ tư vấn, động viên thường xuyên của bác sĩ Hiếu, N. cũng dần tĩnh tâm lại. Sau đó, N. còn tham gia rất tích cực trong đội ngũ tuyên truyền viên đồng đẳng phòng chống HIV/AIDS cho đến ngày mất.
Ngày anh nhận công tác tại Trung tâm, cho đến khi vợ anh biết, cũng phải mất 4 năm. Ban đầu vợ chẳng chịu, anh động viên mãi. Có lần, anh dẫn vợ đến dự sinh nhật con bệnh nhân Moussa J., (SN 1979), nhiễm HIV và điều trị tại phòng khám ngoại trú quận 8 từ năm 2003, chị rất vui. Xong còn ghé thăm trung tâm, tối về, cơm nước xong, vợ anh lại chủ động thủ thỉ: “Còn nhiều người bất hạnh quá, họ trông cậy vào mình, thôi thì anh cứ sống hết lòng, tích đức cho con”. Bác sĩ Hiếu tâm sự: “Ngày ngày mình đều đặn với công việc, làm được gì cho người bệnh thì gắng sức mà làm”.
| |
Hồng Hiệp