Gần 4.000 tỷ đồng hỗ trợ ngư dân đóng tàu

Sáng 7-3, tại Thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, phối hợp với Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức hội nghị “Sơ kết hơn 1 năm triển khai Nghị định 67/20114/NĐ-CP ngày 7-7-2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản”.
Gần 4.000 tỷ đồng hỗ trợ ngư dân đóng tàu

(SGGPO) Sáng 7-3, tại Thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, phối hợp với Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức hội nghị “Sơ kết hơn 1 năm triển khai Nghị định 67/20114/NĐ-CP ngày 7-7-2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản”.

Tham dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Văn Bình - Ủy viên Bộ Chính trị - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước(NHNN) và trên 200 đại biểu từ các Bộ, ngành Trung ương, đại diện lãnh đạo 28 tỉnh, thành phố ven biển, đại diện các ngân hàng thương mại, các hiệp hội doanh nghiệp và bà con ngư dân.

Ký kết 14 hợp đồng tín dụng giữa các ngân hàng và ngư dân tại hội nghị

Hội nghị là sự kiện có ý nghĩa quan trọng để các Bộ, ngành địa phương đặc biệt là các ngân hàng thương mại đánh giá lại kết quả sau hơn 1 năm triển khai Nghị định 67 của Chính phủ, phổ biến những kinh nghiệm hay trong triển khai thực hiện, những khó khăn, vướng mắc và đề xuất các biện pháp để tiếp tục triển khai chính sách phát triển thủy sản có hiệu quả.

Hàng nghìn tỷ đồng đã được ngân hàng hỗ trợ để ngư dân đóng tàu, bám biển. Ảnh N. Dân

Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện, các ngân hàng thương mại đã ký hợp đồng tín dụng để đóng mới, nâng cấp 385 tàu (trong đó, 365 tàu được đóng mới, 20 tàu được nâng cấp) với tổng số tiền gần 4.000 tỷ đồng. Từ tháng 6 - 2015 đến nay, đã có 84 tàu cá được đóng mới, 12 tàu nâng cấp được hạ thủy và đi vào hoạt động.

Tại hội nghị, nhiều vấn đề còn tồn tại về thuế giá trị gia tăng trong quá trình đóng mới, nâng cấp tàu phục vụ khai thác hải sản xa bờ; việc phê duyệt danh sách chủ tàu đủ điều kiện nhưng chưa có nhu cầu đóng tàu, chưa quyết tâm tham gia Nghị định 67 làm chậm quá trình triển khai; vấn đề bảo hiểm, vấn đề về thực hiện mô hình chuỗi sản xuất - tiêu thụ, đảm bảo hiệu quả sản xuất của ngư dân…cũng đã được nêu rõ.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Thống đốc NHNN nhấn mạnh: “Các bộ, ngành, địa phương cần bám sát chỉ đạo của Chính phủ, phối hợp rà soát, tháo gỡ các khó khăn của ngư dân trong việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong Nghị định 67. Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 89 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67 và các Bô, ngành cũng đã kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn tháo gỡ cơ bản những vướng mắc của ngư dân để kịp thời có biện pháp tháo gỡ”.

Nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả của việc triển khai Nghị định 67 trong thời gian tới, nhiều biện pháp cũng đã được đề xuất để tiếp tục triển khai chính sách có hiệu quả như: Các ngân hàng tiếp tục cải cách trình tự, thủ tục thẩm định dự án, phương án vay vốn đóng mới, nâng cấp tàu của ngư dân theo Nghị định 67 với phương thức đơn giản, phù hợp với trình độ của khách hàng, không chồng chéo với thủ tục phê duyệt danh sách ngư dân đủ điều kiện vay vốn của UBND tỉnh, thành phố. Trong quá trình thẩm định hồ sơ cho vay nếu thấy ngư dân chưa đáp ứng đủ điều kiện vay, phải có văn bản trả lời rõ ràng lý do không cho vay, đồng thời báo cáo cho Ban chỉ đạo triển khai Nghị định 67 của địa phương.

Trong dịp này, cũng đã có 14 hợp đồng tín dụng được ký kết giữa các ngân hàng thương mại và ngư dân để đóng mới 14 con tàu công suất lớn với tổng số tiền là trên 190 tỷ đồng.

Nguyễn Đắc Thành

Tin cùng chuyên mục