(SGGP).– Ngày 12-2, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM công bố kết quả khảo sát đời sống hậu tái định cư (TĐC) của người dân bị thu hồi đất thuộc 104 dự án phát triển kinh tế - xã hội TPHCM từ năm 2010 đến nay.
Cuộc khảo sát tiến hành vào tháng 11-2013 ở 8 quận, huyện với 498 hộ mẫu trong số 4.962 hộ dân có đất bị thu hồi và đã được bồi thường theo Quyết định 35/2010 của UBND TPHCM. Đây là đợt khảo sát lần thứ 2 về người dân hậu TĐC, sau đợt khảo sát lần 1 vào tháng 4-2013 do Cục Thống kê TPHCM tiến hành ở 1.200 hộ dân TĐC được chăm lo theo Quyết định 156/2006 của UBND TP.
Tiến sĩ Trần Văn Thận, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM cho biết, sau TĐC, có đến 43% tổng số người trên 15 tuổi không có việc làm. Khoảng 57% có việc làm song có đến hơn 76% số người đang làm việc chưa được đào tạo về chuyên môn kỹ thuật; 36% người dân TĐC tự tạo việc làm, lao động tự do. Chỉ gần 10% có thay đổi công việc so với trước khi di dời.
Điều này cho thấy, quá trình TĐC không mang lại nhiều cơ hội việc làm, không làm thay đổi việc làm của người dân song lại ảnh hưởng rất nhiều đến thu nhập của họ. Bởi, vẫn công việc như thế nhưng người dân TĐC phải di chuyển một khoảng cách xa hơn so với trước, về nơi ở cũ để làm việc, buôn bán. Kết quả là thu nhập của họ bị giảm. Điều đó cũng thể hiện khó khăn trong việc hòa nhập vào cộng đồng dân cư mới của người dân TĐC.
Trong bối cảnh giá cả tăng và các chi phí phát sinh trong di dời thì mức thu nhập của đa số người dân TĐC không tăng lên, thậm chí hơn 39% hộ có thu nhập giảm xuống. Đặc biệt, trong 498 hộ được khảo sát, có đến 74 hộ (gần 15%) sau TĐC (diện nhận tiền mặt, tự lo chỗ ở) lại có nhà đang nằm trong khu quy hoạch, một số hộ do tiền đền bù thấp nên chấp nhận mua rẻ lại nền hoặc nhà đang nằm trong khu quy hoạch “treo”.
“Người dân không được định hướng? Hay họ không đủ tiền mà lại rơi vào cảnh phải mua đất ở những nơi đang quy hoạch “treo”? Cần phân tích rõ và đề xuất với nhà nước, với người dân biết để tránh tình trạng bấp bênh kép cho người dân” - bà Nguyễn Thị Thanh Mai, chuyên gia của Quỹ Hỗ trợ đào tạo và giải quyết việc làm cho người dân có đất bị thu hồi TPHCM (quỹ 156) đề nghị.
Theo các đại biểu, thực hiện theo Quyết định 35, thiếu sót nhất là các địa phương không quản lý được đầu ra. Đa số các địa phương chỉ bồi thường xong là… xong trách nhiệm; khi người dân nhận tiền rồi, họ đi đâu, chính quyền không biết.
Và trước hay sau khi có Quyết định 35, việc di dời, giải tỏa, TĐC vẫn không đơn giản là việc di dời ngôi nhà, mà là sự thay đổi hệ thống các dịch vụ xã hội cơ bản, thiết yếu của người dân (việc làm, học hành, đi lại, y tế, thu nhập…). Bất kể người dân TĐC chọn lựa phương án đền bù, hỗ trợ thế nào thì điều kiện sống của họ cũng bị đảo lộn và chịu nhiều tổn thất hữu hình lẫn vô hình.
ĐƯỜNG LOAN