Gần 900 người chết vẫn "khám chữa bệnh" bằng bảo hiểm y tế - Vì sao?

Qua kiểm tra dữ liệu hưởng Bảo hiểm xã hội (BHXH), dữ liệu thanh toán chi phí khám chữa bệnh Bảo hiểm Y tế (BHYT) đã phát hiện tại 59 tỉnh, thành phố, có 826 trường hợp đã chết vẫn phát sinh 1.780 lượt khám bệnh, chữa bệnh bằng BHYT với số tiền lên đến 7,58 tỷ đồng...

 Trước phản ánh của Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam về việc phát hiện có 826 trường hợp người bệnh đã chết nhưng vẫn có dữ liệu đi khám bệnh và hưởng Bảo hiểm Y tế (BHYT), Bộ Y tế đã tiến hành xác minh và làm rõ sự việc này.

Theo đó, trong văn bản gửi BHXH Việt Nam phản hồi về thông tin phát sinh chi phí khám chữa bệnh BHYT sau khi người bệnh chết, Bộ Y tế cho biết đã yêu cầu Sở Y tế các tỉnh thành, các cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc và y tế các bộ, ngành kiểm tra, xác minh những thông tin do BHXH Việt Nam cung cấp.

Qua đó, tới nay, Bộ Y tế đã nhận được thông tin báo cáo kết quả kiểm tra, xác minh của 53/59 Sở Y tế, 12 cơ sở y tế trực thuộc các bộ ngành. Kết quả xác minh cho thấy, có 650/826 trường hợp đúng thông tin như phản ánh của BHXH Việt Nam, 176 trường hợp còn lại chưa có thông tin.

 Gần 900 người chết vẫn "khám chữa bệnh" bằng bảo hiểm y tế - Vì sao? ảnh 1 Việc trục lợi chính sách BHYT vẫn diễn ra phức tạp

Theo Bộ Y tế, tổng hợp kết quả kiểm tra, xác minh thông tin của 650 trường hợp có phát sinh chi phí khám chữa bệnh BHYT sau khi chết cho thấy, lỗi của nhân viên cơ quan BHXH hoặc bưu điện (đại lý của BHXH) là 575/650 trường hợp, chiếm 88,4%.

Cụ thể nhân viên nhập sai dữ liệu thông tin hoặc phần mềm tự động “nhảy” về ngày đầu tiên (ngày 1) của tháng về ngày chết của bệnh nhân. Thực tế này dẫn đến khi thống kê trên phần mềm đã phát sinh chi phí khám bệnh chữa bệnh BHYT cả người đã chết, hoặc lỗi do cơ quan BHXH đồng bộ sai mã số BHXH của người còn sống với người đã chết.

Tiếp đó lỗi thứ hai dẫn đến hàng trăm người đã chết vẫn phát sinh chi phí khám chữa bệnh BHYT là do người nhà sử dụng thẻ BHYT của người bệnh đã chết, qua xác minh có 13/650 trường hợp xảy ra lỗi này, chiếm 2%.

Lỗi thứ ba là do nhân viên y tế sử dụng thẻ BHYT (hoặc dữ liệu thẻ) của người bệnh để gian lận, trục lợi quỹ BHYT, lỗi này xảy ra với 13/650 trường hợp, chiếm 2%. Lỗi thứ tư là do nhân viên y tế thao tác sai trên phần mềm HIV hoặc lỗi trong quá trình trích chuyển dữ liệu dẫn đến sai thông tin khám chữa bệnh của bệnh nhân (chiếm 2,46%).

Lỗi thứ năm là do người nhà bệnh nhân cung cấp sai thông tin ngày mất của bệnh nhân (chiếm 2,62%). Lỗi thứ sáu do cơ sở khám chữa bệnh không kiểm soát thủ tục chặt chẽ (lỗi quy trình), lỗi này chiếm tỷ lệ 0,62%. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng cho biết, cơ quan bảo hiểm xã hội đã thống kê nhầm dữ liệu BHXH của tỉnh khác (11/650 trường hợp).

Trước đó, BHXH Việt Nam cho biết qua kiểm tra dữ liệu hưởng BHXH, dữ liệu thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT năm 2018 và 8 tháng đầu năm 2019 đã phát hiện tại 59 tỉnh, thành phố, có 826 trường hợp đã chết vẫn phát sinh 1.780 lượt khám bệnh, chữa bệnh bằng BHYT với số tiền lên đến 7,58 tỷ đồng. Sau đó, BHXH Việt Nam tiếp tục có báo cáo tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT với nội dung sau khi kiểm tra, xác minh có 58 trường hợp vi phạm, phát sinh 67 lượt khám chữa bệnh sau khi tử vong với tổng chi phí từ BHYT hơn 59 triệu đồng.

Mới đây tại hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) giai đoạn 2015-2019 và xin ý kiến dự thảo Luật BHYT sửa đổi, đại diện Bộ Y tế thừa nhận, tình trạng lạm dụng, sử dụng quá mức cần thiết dịch vụ y tế, thậm chí là trục lợi BHYT tiếp tục diễn ra phức tạp.

Một số hình thức lạm dụng, trục lợi dịch vụ BHYT như: Áp giá thanh toán dịch vụ kỹ thuật, thống kê tổng hợp các chi phí sai quy định, kê trùng các dịch vụ kỹ thuật, vật tư y tế, hóa chất đã có trong cơ cấu giá. Cùng với đó là chỉ định xét nghiệm cận lâm sàng, X-quang, thăm dò chức năng quá mức cần thiết, không phù hợp với tình trạng bệnh. Thực hiện mua sắm vật tư y tế, hóa chất sử dụng cho các dịch vụ kỹ thuật không đúng quy định của pháp luật. Thậm chí có trường hợp yêu cầu người bệnh phải tự chi trả chi phí thuốc đã có trong danh mục BHYT.

Qua kiểm tra, cơ quan chức năng cũng đã phát hiện hành vi trục lợi BHYT dưới hình thức chỉ định người bệnh vào điều trị nội trú khi tình trạng bệnh không cần thiết phải điều trị nội trú hoặc kéo dài ngày điều trị nội trú. Người bệnh có thẻ BHYT đi khám chữa bệnh nhiều nơi trong một thời gian ngắn, mượn thẻ BHYT của người khác đi khám chữa bệnh để lấy thuốc mang ra ngoài bán kiếm lời.

Tin cùng chuyên mục