Gần gũi để giúp trẻ tự tin

Thực trạng chung mà các bậc phụ huynh hiện nay mắc phải là dành quá ít thời gian để trò chuyện, gần gũi, hiểu con cái. Chính điều này đã vô tình tạo nên khoảng cách giữa các thành viên trong gia đình. Và đôi khi, đẩy trẻ vào thế giới cô đơn, sống khép kín, thiếu tự tin và bi quan trong cuộc sống. Nhân Ngày Gia đình Việt Nam (28-6), tâm sự của các em giúp các bậc cha mẹ hiểu thêm về những suy nghĩ thầm kín của con em mình để có cách giáo dục, dạy dỗ phù hợp.
Gần gũi để giúp trẻ tự tin

Thực trạng chung mà các bậc phụ huynh hiện nay mắc phải là dành quá ít thời gian để trò chuyện, gần gũi, hiểu con cái. Chính điều này đã vô tình tạo nên khoảng cách giữa các thành viên trong gia đình. Và đôi khi, đẩy trẻ vào thế giới cô đơn, sống khép kín, thiếu tự tin và bi quan trong cuộc sống. Nhân Ngày Gia đình Việt Nam (28-6), tâm sự của các em giúp các bậc cha mẹ hiểu thêm về những suy nghĩ thầm kín của con em mình để có cách giáo dục, dạy dỗ phù hợp.

Tận dụng cơ hội ở bên con

Các em gửi gắm mong muốn của mình tại diễn đàn “điều con muốn nói”

Tại diễn đàn “Điều con muốn nói” do Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM tổ chức, em Trần Sơn Thuận (học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Nguyễn Thi, quận 11) bày tỏ: “Ba mẹ con đi làm hoài, con chỉ được gặp ba mẹ vào buổi tối. Con muốn ba mẹ dành thời gian để đưa con đi công viên giải trí, sở thú hoặc đi đâu đó cũng được. Hơn một năm rồi, con chưa được đi đâu cùng ba mẹ”. Hàng ngày, cứ sáng thức dậy thì ba mẹ đi làm, Thuận tự đến trường. Đi học về em nấu cơm và chờ đến tối mẹ về làm thức ăn rồi cả nhà cùng ăn cơm. Cuộc sống cứ như vậy trôi dần. Nhiều lần Thuận có nói với ba mẹ mong muốn được đưa đi chơi, nhưng lần nào cũng chỉ nhận được lời hứa khi nào rảnh sẽ đưa đi.

Rất nhiều trẻ tham gia diễn đàn đang theo học tiểu học, lớp 6, lớp 7 cũng chia sẻ ước muốn được cha mẹ dành nhiều thời gian để đưa đi chơi, nói chuyện học tập, cuộc sống. Có em than phiền rằng ba mẹ không bao giờ cho em đi chơi, dù là đi đến công viên gần nhà. Với những trẻ ở độ tuổi lớn hơn thì lại không thích đi chơi cùng ba mẹ, các em chỉ muốn có thời gian riêng tư cùng bạn bè. Theo em Trần Thanh Thảo, học sinh lớp 8 tại Gò Vấp, cứ mỗi lần em xin đi chơi cùng các bạn thì mẹ lại không cho phép, bảo ở nhà nhưng lại không nói lý do vì sao. “Lâu lâu mẹ cũng đưa em đi uống trà sữa, xem phim. Nhưng em lại thích đi cùng các bạn hơn”, Thảo cho biết.

Một số phụ huynh sau khi nghe tâm tư của các con đã hiểu ra nguyên nhân vì sao khoảng cách của họ với các con ngày càng xa. Chị Nguyễn Thị Thanh Nga (quận Tân Bình), có con trai đang học lớp 10 và lớp 6, chia sẻ: “Vợ chồng tôi chỉ lo làm lụng kiếm tiền, ít có thời gian dành cho con. Cứ nghĩ lo cho con đầy đủ vật chất là được. Giờ nghe mấy đứa nhỏ nói mới biết con cần ba mẹ gần gũi để hỗ trợ về mặt tinh thần. Tuy nhiên, tôi không biết nên dành thời gian cho con bao nhiêu là đủ?”.

Trao đổi vấn đề này, Thạc sĩ Đào Lê Hòa An, Giám đốc chiến lược Trung tâm Đào tạo kỹ năng sống và chăm sóc tinh thần Ý Tưởng Việt, cho rằng tùy vào mỗi gia đình mà việc ba mẹ dành bao nhiêu thời gian cho con sẽ khác nhau. Quan trọng là ba mẹ với con cái nên tìm tiếng nói chung để cả hai bên cùng hiểu nhau.

Tiến sĩ Lê Thị Linh Trang, giảng viên Học viện Cán bộ TPHCM, nhắn nhủ các bậc phụ huynh hãy dành càng nhiều thời gian và càng nhanh càng tốt để ở bên con, chơi đùa, nói chuyện, hiểu con, giúp đỡ con giải tỏa căng thẳng trong học tập, bởi vì khi con lớn lên, nó sẽ không chịu chơi với mình nữa. Do đó, hãy tận dụng thời cơ mình có, sắp xếp thời gian biểu để ở bên con. Riêng các em học sinh, TS Linh Trang cho rằng nếu mình mong muốn ba mẹ đưa đi chơi thì hãy nói với ba mẹ, vì có nhiều em muốn nhưng không bao giờ dám nói do sợ bị la. Với những em lớn hơn, hãy tạo cho ba mẹ sự an tâm về mình, khi đó ba mẹ sẽ dễ gật đầu cho phép đi chơi cùng bạn bè.

Dạy trẻ về giới tính

Theo TS Linh Trang, cả ba mẹ và con cái cần phải hiểu nhau hơn để tạo nên sự đồng cảm, gắn bó. Ba mẹ cần cập nhật tâm lý trẻ để hiểu con mình đang trong giai đoạn nào mà hỗ trợ. Ngược lại, trẻ cũng nên thấu hiểu và thông cảm cho ba mẹ. Rất nhiều trẻ nhớ ngày sinh nhật của bạn bè nhưng lại không biết ba mẹ mình sinh ngày nào để chúc mừng. Hay chưa bao giờ mời ba mẹ ly nước khi họ đi làm về.

Một vấn đề mà rất nhiều gia đình đang gặp phải là cha mẹ nên dạy con về giới tính như thế nào. “Con có hỏi ba mẹ rằng con sinh ra như thế nào, nhưng mẹ nói từ bãi rác. Con không tin như vậy, hỏi tiếp thì mẹ nói con nít biết gì, lớn lên sẽ tự hiểu”, em Nguyễn Văn Phong, học sinh lớp 8, thắc mắc.

Nhiều trẻ cho biết ở trường có được dạy về giới tính rồi các em lên mạng xem thêm nhưng có phần không hiểu. TS Linh Trang cho rằng, đến độ tuổi nào đó trẻ sẽ tò mò về giới tính, trong khi đó ba mẹ lại cứ nghĩ con lớn tự khắc sẽ biết. Đó là một sai lầm! “Ba mẹ cần xem sách, tìm hiểu để biết về giới tính một cách chính xác, khoa học để trả lời con trẻ cũng như nhìn thẳng vào vấn đề giới tính để giáo dục con. Đừng để con tự mình tìm hiểu trên mạng. Đây cũng là cách giúp trẻ phòng tránh bị xâm hại tình dục”, TS Linh Trang trao đổi. Thực tế cho thấy, hơn 90% trẻ bị xâm hại tình dục là trong độ tuổi 9 - 10 tuổi. Mà nhiều phụ huynh lại cho rằng những trẻ còn nhỏ thì không nên biết về giới tính.

Các chuyên gia nhắn gửi, ba mẹ nên nói chuyện với con nhiều hơn, đặc biệt là về giới tính để con hiểu. Ngoài ra, con trẻ cũng nên kể cho ba mẹ nghe chuyện mình học, mình nghe, mình thấy để ba mẹ cùng con có cái nhìn đúng đắn hơn. Hãy nhớ rằng khi con trẻ gặp rắc rối cũng chính là lúc chúng cần đến ba mẹ nhất. Nên dù muốn hay không, phụ huynh hãy dành thời gian gần gũi, lắng nghe và chia sẻ cùng con.

Thông điệp con trẻ gửi đến diễn đàn là: “Yêu thương mạnh hơn đòn roi, quát mắng”, “Lắng nghe trẻ em nói để yêu thương và sẻ chia”, “Yêu con không phải là sắp đặt mọi thứ cho con”, “Người lớn hãy lắng nghe, tôn trọng và đáp ứng nguyện vọng, ý kiến chính đáng của trẻ em”, “Cha mẹ là tấm gương sáng cho con học tập, noi theo”.


THÁI PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục